NKMVHVNHN: Ai là Nhà Văn Hóa Việt Nam nổi bật trong thời đại ly hương?
Ngày 8 tháng 10 năm 2022, Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris đã phát hành tác phẩm đồ sộ “Những Khuôn Mặt Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại” (viết tắt NKMVHVNHN) 900 trang, sau 4 năm biên soạn và tìm hiểu về hàng trăm văn nghệ sĩ VN, hiện đóng góp tài năng – công sức vào kho tàng văn hóa Việt Nam nở hoa rạng rỡ tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong số những khuôn mặt văn hóa này, có thi văn sĩ Quôc Nam ghi nhận nơi trang 798 bởi Cố Giáo sư/Học giả Vũ Ký (văn nghệ sĩ lão thành VN đầu tiên được đề cử dự tranh Giải Nobel Văn Chương) với bài tiểu luận “Quốc Nam, nhà văn hóa Việt Nam nổi bật của thời đại ly hương“. Sau đây là nguyên văn bài tiểu luận:
“Thực là một niềm vui sướng bất ngờ cho chúng tôi và nhà thư họa Vũ Hối, may mắn được gặp thi sĩ Quốc Nam vào một buổi chiều cuối Hạ năm 2002, sau một chuyến du hành khá lâu ở Huê Kỳ, từ Washington D.C. đến New York qua Oregon, rồi Washington State, đến Seattle, nơi Cao Nguyên Tình Xanh – danh từ mỹ miều mà Nhà Văn Hóa Quốc Nam đã đặt cho vùng đất thương yêu mà anh định cư.
Kể dông dài như thế, để muốn nói các tri giác, các cảm quan, cùng vô số ấn tượng mình thu nhận được vội vàng, lộn xộn trên hành trình dài mệt mỏi chưa kịp sắp xếp, hệ thống đúc kết lại trong tâm thức, để ổn định và đánh giá hoài niệm vừa qua nơi ký ức, thì bỗng nhiên chúng tôi đang ngồi tiếp chuyện với nhà thơ Quốc Nam trong một cảnh quan đặc biệt vô cùng.
Cơ sở của anh là một ngôi nhà xinh xắn để làm trụ sở cho Đài Phát Thanh Sài-Gòn SRBS và tạp chí Đông Phương! Đó cũng là cái nôi của Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương, để từ đó xuất hiện liên tiếp các sinh hoạt văn học nghệ thuật và cộng đồng (đặc biệt là Giải Quốc Tế Tượng Vàng Việt Nam do anh sáng lập từ năm 1987).
Rồi tôi và họa sĩ Vũ Hối cùng nhà thơ đi thăm cảnh khu vườn Văn Hóa được gọi là “Công Viên Tượng Vàng Việt Nam” với tượng đài cao 12 feet, giữa vùng cây cối mát mẻ đầy lá cây rậm rạp phất phơ trong ngọn gió chiều, bên cạnh tòa báo và Đài Phát Thanh của anh.
Tôi tìm lại được trong phút chốc sự quân bình tâm trí, sự lắng đọng của tư tưởng êm dịu trong cảm quan của mình sau bao nhiêu xáo trộn về tâm thức, để bây giờ đổ dồn về câu chuyện đang trao đổi với nhân vật ngồi đối diện mà lần đầu mình được gặp. Thực chứng nghiệm lời nhận xét của một văn hào Tây phương về phép xã giao, xử thế nào: Cảm tưởng đầu tiên của ta theo trực giác khi đối diện với một con người nào đó, thường bao giờ cũng đúng cả, nhất là khi cảm tưởng ấy là một ấn tượng đẹp về con người ấy.
Giọng nói anh đầm ấm, hoạt bát, phong thái thanh nhã, mau mắn, nét mặt mời gọi cảm mến; thỉnh thoảng hình như anh có cái nhìn say đắm xa xăm vào một vùng trời lý tưởng, một mục tiêu cao cả thầm kín nào anh đang đeo đuổi trong tâm trí. Quả là cử chỉ anh rất hồn nhiên của một con người năng động, vừa hướng ngoại vội vàng mà cũng vừa hướng nội sâu thẳm.
Rồi tôi cũng trầm ngâm hồi tưởng. Cái vĩ đại và hiện đại vô cùng của Huê Kỳ mà tôi đã chứng kiến suốt mấy tuần qua, gây choáng ngợp và che lấp phần nào cái sơ sài của nền cổ sử địa phương của họ, làm cho thắng cảnh Khu vườn Văn Hóa của Quốc Nam trở nên mâu thuẫn thay! Lại đồ sộ trong tâm tưởng hoài quốc của người con dân nước Việt ly hương là tôi đây trên đất Mỹ. Và tôi cảm thấy pho Tượng Vàng Văn Hóa của Quốc Nam bỗng nhiên hùng vĩ lạ thường, trong niềm hãnh diện về dự phóng của dân tộc Việt sẽ bất diệt với thời gian, và đang hy vọng trở thành hiện thực trong mãi mãi.
Rồi một thời gian sau đó, tôi cũng có trước mặt 2 tác phẩm Quê Hương Nước Mắt (thơ tập ba – in lần thứ 5 /2003) và Người Tình Quê Hương (thơ tập bốn – in lần thứ 4 / 2004) của Quốc Nam. Qua mấy lần tái bản ở hải ngoại, các danh từ mỹ lệ nhất của văn học nghệ thuật Việt Nam, bao nhiêu nhân tài khắp nơi trên thế giới đã đổ dồn tới, để tôn vinh Tác Giả, những lời phê bình thực xứng đáng và vô cùng đúng đắn! Nào là người chiến sĩ văn hóa với hào khí ngất trời; nào là thi sĩ của quê hương Việt Nam; thơ của anh là tiếng thét căm hờn của kẻ sĩ diệt Cộng phục hưng xứ sở; nào là chính khí hào kiệt của trang thanh niên thời vong quốc; nào là cái tính bất biến “tâm thực bất vong” như người xưa thường nói (khi ăn khi ngủ không quên chí trả thù), ray rứt thăng hoa ở thi nhân thành tâm đồng dạ sắt, tôn thờ lý tưởng giải cứu quê hương… còn nữa và còn nữa…
Quốc Nam đã nói trong một cuộc phỏng vấn: “Thơ tôi và cuộc đời đã gắn bó với nhau gần 5 thập niên qua. Nhưng có điều, những mảnh đời trong thơ tôi không hẳn là của riêng tôi, mà phần lớn là của nhiều người sống quanh tôi. Nhờ thế, trong thế giới thi ca, tôi đã yêu người và yêu đời, kể cả những bi kịch của cuộc sống. Có lẽ nhờ tâm hồn nhạy cảm với thi ca, tôi đã sống cho tha nhân nhiều hơn tôi sống cho chính mình và gia đình, ít nữa cũng kể từ ngày 30 tháng Tư đen năm 1975 đến nay. Một số người làm thơ tự mãn với lối làm dáng ngôn ngữ, hoặc gieo vần ghép chữ sao cho lạ lẫm! Nhưng theo tôi, thơ hay là ở hồn thơ. Bởi vì thơ cốt nhất là có hồn, để có thể truyền cảm được ý thơ đến tận đáy sâu tâm hồn người yêu thơ. Ngoài ra, thơ theo tôi, phải nói lên được điều gì đó cho quê hương dân tộc, cũng như cần đóng góp vào sự phúc lợi, an nguy của đồng bào trong và ngoài nước”.
Quả đúng vậy! Toàn bộ thơ văn của Quốc Nam trong các thi tập nói trên đẹp quá, hào hùng quá, trượng phu quá, và cũng bi thiết quá. Tôi phân vân không biết nên chọn câu nào, lời nào để biểu dương và minh chứng xác đáng cho luận cứ của mình về tác phẩm và tác giả Quốc Nam. Tất cả đều toàn bích, đầy cảm xúc thương đau mà hướng thượng:
Viết cho con lời trần tình thống khổ,
Tháng tư chào đời con biết gì không?
Bố xuôi tay buông súng bỏ quê hương,
Ngàn nỗi hận dồn trái tim rướm máu.
Đã bao năm bố quên đời hưởng thụ,
Bốn chục tuổi đầu tóc bỗng điểm sương.
Nhìn con trai trong êm ấm nôi hồng,
Bố muốn thét cho niềm vui òa vỡ.
Con lớn lên chia ước mơ cùng bố.
Một ngày nào quét sạch lũ Cộng Nô.
Việt Nam ơi! Thương biết đến bao giờ,
Bố con ta về dựng người cứu nước…
Con ra đời giữa tháng tư tưởng niệm,
Nước mắt đong đầy ghi dấu trăm năm.
Linh hồn bố lang thang loài chim biển,
Triệu người lưu vong gọi mãi Việt Nam.
Nhưng quê ta ngày mai rồi lớn dậy,
Khúc hát thanh bình rộn rã không gian.
(Cho Con Quê Hương Sẽ Lớn, tháng Tư 1984)
Văn thơ có giá trị trường tồn hay không là nhờ thần bút hồn nhiên, và quý giá ở tấm lòng của thi nhân làm nền cho cảm hứng sáng tạo của mình. Hào nhoáng, đẽo gọt, mặc sắc phục kiêu sa, vương giả gian dối, không che đậy nổi cái nghèo nàn, hời hợt giả tạo trong cảm xúc của nhà nghệ sĩ: “Nghệ thuật chỉ làm nên những vần điệu, còn quả tim mới đích thực làm nên thi sĩ” (Apollinaire).
Thơ của Quốc Nam chất ngất cái hồn nước đau thương, thân phận hấp hối của người dân Việt mất nước, bị lưu đày bất đắc dĩ, các thống khổ nghìn trùng ấy là chất men âm ỉ cho một quyết tâm hào hùng truyền thống từ bậc tiền nhân, mà biểu tượng ấp ủ trong nỗi nhớ thương về Người Mẹ muôn đời. Mẹ Việt Nam hay người Mẹ sinh thành của chính Tác giả? Một biến thành Hai, Hai mà là Một đó vậy:
… Ta đứng bên Trời thương Mẹ vô biên.
Lòng Mẹ héo hon, thở nhọc từng đêm,
Rồi nằm xuống cho thiên thu uất nghẹn.
Mộ của Mẹ giờ xanh màu thánh thiện,
Nắm xương tàn đã gởi gấm trời Tây.
Ta xin thề trên mộ Mẹ hôm nay,
Quyết đưa Mẹ về bên mồ Tiên Tổ.
Ta gọi tên Mẹ nhiều đêm tuyết đổ,
Nước mắt lưu vong ray rứt lòng nhau.
Đời thi nhân vấn tang trắng cúi đầu
Vắt máu tim thành thơ dâng Tổ Quốc…
Cả người tình quê hương (1) dưới muôn nghìn dáng điệu mà nhà thơ đã đứt ruột thương chờ, dưới ánh trăng tháng tám (2) trên đỉnh gió Lâm Viên (3) thủ thỉ với ái nữ như một nàng tiên nhỏ (4). Đó là nàng dâu quê hương (5) mà nhà thơ đắm đuối thiết tha yêu như người tình Hậu Giang thuở nào (6)…
… Nỗi khắc khoải trong tôi chừ lớn rộng,
mở mắt chào đời khói lửa tràn lan.
hơn hai mươi năm lầm lũi đêm trường,
súng đã nổ vào trái tim vào óc.
Tôi yêu em bằng tâm tình rã mục,
chợt thấy tương lai bay bổng miệt mài.
bàn tay tìm nhau ngượng ngập hình hài,
máu đọng lại trên vành mi thù hận.
Em sẽ yêu tôi trong lòng chiến trận,
một lần bên nhau rồi mãi xa nhau.
phút ái ân như gặp gỡ ban đầu,
và cũng kể là chia tay vĩnh viễn…
(Vết Thương Trên Đá, 1969)
Ghi chú: (1) (2) (3) (4) (5) (6) = nhan đề những bài thơ của thi sĩ Quốc Nam.
Đây nhớ em, giữa cảnh sắc mùa Xuân trên Thung Lũng Hoa Vàng:
Em mang dáng dấp xưa thần thoại,
Chìm đắm trong hương sắc tuyệt vời.
Sóng tóc, tôi mơ miền luyến ái,
Xuân sang len lén giấc yêu người.
Giao thừa tôi có em yêu dấu,
Trong phút linh thiêng của đất trời.
Kỷ niệm đầu năm thành bất tử,
Mong em khỏa lấp một trùng khơi.
Xin tạ ơn em, xõa tóc huyền,
Cho tôi sống lại tuổi xuân êm.
Chợt lòng hoa nở vàng như nắng,
Thung lũng cũng hồng nhân dáng em.
(1991)
Tất cả đều đắm say, tha thiết, nhớ thương, rồi kỳ vọng đợi chờ… ấp ủ trong nỗi lòng khôn nguôi của người tình quân là mình trong cơn vong quốc.
Phải chăng, nhà thơ Quốc Nam không chỉ có rên rỉ khúc trường thiên vong quốc như một lời kinh nhật tụng, mà còn luôn luôn lo lắng cho tương lai đất nước, quyết tâm lập lại hoài một thông điệp lịch sử trao về nghìn thu con cháu, mong chờ ngày huy hoàng tất nhiên của dân tộc khi quân thù ngã gục. Có thể nào Quốc Nam cũng cùng tâm trạng khắc khoải của một Nguyễn Du thuở nào. Thi hào tâm sự với hậu sinh: Thiên tuế trường ưu vi tử tiền (câu thơ của Nguyễn Du: Trước khi chết vẫn lo nghĩ đến chuyện nghìn sau):
“Năm mươi năm, một vài điều có thực,
Tôi gởi em, tuổi trẻ Việt kiên cường,
Lời tâm huyết của nửa đời bất lực,
Giữa cuồng lưu khiến dân tộc khốn cùng.
Hãy tiến lên, tuổi thanh niên tam thập,
Quay bánh xe lịch sử đến vinh quang.
Có chúng tôi, thế hệ trắng kinh hoàng,
Đứng sát cạnh em trên đường cứu nước…
(50 năm, nói với em dăm điều có thực, 1994)
… Thức dậy đi, hỡi óc tim biển cả,
Tuổi trẻ ơi, những biểu tượng cuối cùng,
Là niềm tin của giòng giống Tiên Rồng,
Hãy trở lại quê hương làm lịch sử.
Ta hôn mê những chiều xa cố xứ,
Ly rượu nồng sao phá nổi cơn đau.
Nhớ Việt Nam từng dốc đá nhịp cầu,
Quê nghèo đã nuôi ta thành bất khuất…
Nhiều, nhiều lắm, lời vang vọng không quên da diết của thi nhân, với lời nhắn gởi trầm hùng, gần như các bậc tiên liệt Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, thuở trước:
… Em và tôi hãy đốt bừng ngọn lửa.
Hãy thoát khỏi những tiện nghi nhung lụa.
Để dấn thân cuộc tranh đấu lâu dài.
Em biết không, tôi chuộc tội từng ngày.
Xin sống chết cho Việt Nam sáng rực.
“… Hãy dành tất cả chỗ ngồi xứng đáng cho những người chiến sĩ đang nằm gai nếm mật trong nước… Tôi muốn gởi gấm tới thế hệ tam thập và tuổi trẻ Việt Nam đầy năng lực: Hãy dấn thân nhận lãnh vai trò trở lại quê hương làm lịch sử…” (Quốc Nam, Quê Hương Nước Mắt).
Không có cái gì cũ mà nhà văn không thấy mới, không có cái gì giống nhau mà nhà thơ không thấy khác, không có gì tương đồng mà nhà thơ không thấy dị biệt. Đó chính là niềm huyền diệu tạo hóa ưu đãi người nghệ sĩ để đi đến một sự biến thiên tinh thần, tình cảm của họ nhờ vào phép hóa tính mầu nhiệm đặc cách ban cho họ. Nhà văn Tây Phương nào đó rất có lý để nói rằng: “Nhà nghệ sĩ luôn luôn sáng tạo những chuỗi dài không dứt những xúc cảm, ấn tượng, mới lạ đánh động vào cảm quan và tâm tư của kẻ khác, làm cho ai đọc họ cũng luôn đổi mới sự kinh ngạc và niềm thán phục của mình… Đối với nhà thơ, không có đề tài nào cổ lỗ mà không trở thành hiện đại, man rợ, thô sơ mà không biến thành tuyệt diệu, tinh khôi”. Chính đó là tính đa diện, đa dạng, biến hóa ở một nhà thơ có chân tài. Và đó cũng là điểm độc đáo biệt lệ trong cảm hứng của nhà thơ Quốc Nam trong các thi phẩm của anh vậy.
Một văn thi hữu của tôi khi đọc xong 2 tập thơ của Quốc Nam, bỗng trầm ngâm nghĩ ngợi và thốt ra một lời nhẹ nhàng mà thấm thiá, tưởng chừng tim anh cũng rưng rưng đau buốt trong niềm thông cảm vô cùng! Anh nói:
“Nhà thơ Quốc Nam vừa làm thơ vừa khóc. Cảm hứng của Quốc Nam nhạt nhòa trong nguồn lệ của một con người vong quốc ly hương bi thiết! Nước mắt và nước mắt. Nếu gọi bằng một ẩn dụ cổ điển, thì phải nói: chính đó là tiếng cuốc khắc khoải hay giọng đỗ quyên thảm sầu trong văn thơ của các bậc tiền bối nước ta thuở nào”.
Tôi liên tưởng đến nỗi ưu sầu gặm nhấm não cân, hằn sâu vào da thịt của nhà văn Ba Tư Gaim Magam qua “những vần thơ lưu vong” nổi danh trên văn đàn quốc tế: “Mực của ngòi bút tôi là máu hồng rỉ ra từ tim tôi đau điếng, là dòng sữa đắng của hồn tôi bắn ra từ đôi mắt lệ nhòa, mỏi mòn về quê hương biền biệt”. Nhưng văn hào Gaim Magam lưu vong rồi có ngày hồi quốc; còn Quốc Nam, nhà thơ Việt Nam âu sầu rũ rượi trong cảnh ly hương, không biết đến khi nào trở lại quê mình, nhưng vẫn mơ hoài cái hào quang tất thắng khi quân thù gục ngã.
Đã tám mùa xuân trên lũng thấp,
Âm thầm theo những bước chân qua.
Hồn tôi chừng mỏi trăm vùi lấp,
Có thấy bao giờ một dáng xưa (?)
… Tôi đi giữa phố phường lưu lạc,
Thung Lũng Hoa Vàng xanh bóng mây.
… Đã mấy năm qua tôi bỏ quên
Trái tim bên dốc đá ưu phiền.
Nắng lên cho đẹp lời âu yếm,
Mỏi mắt ươm tình, say đắm thêm.
Bóng bẩy, kiêu sa mà thấm thía vô cùng. Ngậm ngùi vì vận nước điêu linh, mối tình quê quặn thắt, một thi văn hữu khác của tôi cũng có lần xướng họa tùy hứng đôi vần, nhưng khi đọc xong các thi phẩm của Quốc Nam, thì anh buồn buồn thú nhận, bao hàm một lời khen tặng đối với Quốc Nam. Anh nói: “Ai không biết cảm hứng của thi nhân là điếu cổ hoài kim, nhưng riêng ở Quốc Nam, tôi thấy sự diễn tả cảm xúc của anh thành vần điệu, có nhiều biệt lệ, làm cho thơ anh đạt đến độ cao của thi hứng chân tài… Rõ ràng Quốc Nam làm thơ có hồn, có thần, nhiều hình tượng nghệ thuật. Và riêng tôi, đọc thơ Quốc Nam rồi, tôi hết muốn làm thơ… Tôi đang sống cái tâm trạng của tiền nhân thuở trước. Tôi xin nói lên đây với chút lộng ngôn, đầy phạm thượng, nhưng không cường điệu chút nào, và đành chịu thất lễ với các thi hào tiền bối:
“Tương truyền Lý Bạch đến chơi Võ Xương, lên xem lầu Hoàng Hạc rồi nôỉ hứng muốn đề thơ vịnh cảnh, bỗng thấy đã có thơ Thôi Hiệu với bài Hoàng Hạc Lâu ở đó, bèn nói: “Thôi, ta không làm thơ nữa. Cảnh trước mắt đẹp quá, chưa tìm ra lời thì đã thấy thơ của họ Thôi ở đây rồi”. Lý Bạch hết sức khâm phục, mất hứng, hết muốn đề thơ”.
Riêng người viết bài tiểu luận này, cũng thú nhận cái mặc cảm đầy lương thiện nói trên của người thi văn hữu của mình, khi ngâm nga các vần thơ huyết lệ của Quốc Nam.
Không những dành một mối tình vĩ đại thường trực tê buốt đối với đất nước, Quốc Nam còn dành những dòng lệ chí hiếu đối với các bậc sinh thành, những não nuột của con tim hay những lời chúc thư hùng khí trao về em, về các con anh, gởi đến các thế hệ mai sau để họ quyết chí phục thù, cứu nước. Những vần thơ đứt ruột -tôi không nói quá đáng chút nào- khó tìm thấy trong nền văn học Việt Nam hải ngoại từ lâu nay.
Và đây, hai bản tình ca đẹp nhất trong các thi phẩm của nhà thơ Quốc Nam gởi người tình Hậu Giang – nàng dâu quê hương, viết với tâm tư não nùng của một Lamartine trên sóng nước hồ xưa, của một Victor Hugo nhớ thương quằn quại nàng Juliette trong một thu cảnh nào bên phương trời Tây thuở trước. Có khác chăng là ở nhà thơ Quốc Nam, thiên tình sử ấy, bản tình ca diệu vợi ấy, gói trong cái nền vong quốc sử Đông Phương, mà cụ thể là Việt Nam ta của Quốc Nam đó vậy.
“Anh đã nỗi buồn, một kiếp mang.
Chiều mây xám ngắt, lạc cung đàn.
Em, cô phụ vẫn hồn phong kín.
Trên dốc cao nguyên, bỗng địa đàng.
Nụ hôn rất nhẹ, thoảng vô hình.
Quấn quít vòng tay. Vỡ thủy tinh.
Cô phụ, tiếng cười pha nước mắt.
Anh tìm hạnh ngộ giữa môi xinh.
Và đó tình ta thành biển lớn.
Em là bóng dáng một quê hương.
Anh yêu Sông Hậu vang trùng sóng.
Vút giải ngân hà phủ xóm thôn.
Anh đã niềm vui, con nước lên.
Đưa em về bến cũ bình yên.
Mốt mai, ta dựng xây tiên giới.
Trong trái tim nhau, vẹn ước nguyền.
(Người Tình Hậu Giang)
Mùa xuân đã mở cao nguyên biếc,
Em có xanh màu thơm núi sông?
Anh nhớ ngày xuân trên giá tuyết,
Quen nhau từ buôỉ mắt như lòng.
Nhiều năm sau đó ta không gặp,
Em vẫn cô đơn mảnh áo hồng.
Son phấn có thêm màu khuất lấp?
Anh còn lận đận cuộc tình không.
Kỷ niệm đầu tiên ghi dấu xanh,
Anh theo tiếng gió gọi nhân tình.
Mắt em thăm thẳm mùa xuân thánh,
Anh dấu yêu em đến thoát trần.
Anh viết bài thơ tình đẹp nhất,
Gởi người tri kỷ, vọng quê hương.
Anh mơ mai mốt thành xuân thật,
Em sẽ “nàng dâu” đẹp giáo đường.
(Nàng Dâu Quê Hương)
Cái mặc cảm mất quê hương, tủi thân vong quốc là một hội chứng dai dẳng không rời tâm thức của Quốc Nam, và một điệp khúc trong cảm hứng của thi sĩ:
Tôi nhục nhã trong tôi
Kẻ bỏ nước ra đi
Bỏ anh em ở lại
Bỏ đồng đội gian nguy.
Hay:
Xin cho tôi được chết
Nơi quê hương Việt Nam
Máu chúng tôi sẽ kết
Trang sử mới huy hoàng
Trong lòng dân tộc Việt.
(Kẻ Đào Ngũ của quê hương khổ đau)
Ta lưu đày ta một đời giẫy chết
Nắng buồn phiền theo nước mắt tuôn rơi.
Đêm quê hương lời kinh đã rã rời,
Ta trở giấc giữa Hoa Kỳ chói sáng…
(Hãy Trở Lại Quê Hương Làm Lịch Sử)
4 thi sĩ hiện diện trong “Ngày Thi Ca Việt Nam” đầu tiên tại Hải Ngoại ngày 5 tháng 5 năm 1991. Hình từ phải qua trái: Hà Thượng Nhân, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa & Quốc Nam. Photo by Quang Lộc.
Rồi trên mặt địa cầu này quá rộng mà lại quá hẹp đối với thi nhân, người không tìm ra một nơi nào trú ngụ để gởi ở đó một địa chỉ cho riêng mình:
Nếu ai hỏi tôi, nơi nào địa chỉ?
Đã qua nửa vòng trái đất đau thương.
Tôi còn chi trong mắt đời bão nổi.
Suốt kiếp lưu vong không chốn về nguồn.
(Địa Chỉ Tôi)
Tôi rưng rưng nước mắt, nhòa lệ trong tim đến vô cùng, khi đọc hết bài “Địa Chỉ Tôi”. Tâm tình vút lên đỉnh cao của bất hạnh, đau buồn khi nhà thơ lạc loài, vô định, không biết đâu là nhà, là nước, khi tìm về cội nguồn “có nắng cổ tích, có dậu tre, có mái tranh nghèo, có ruộng lúa vàng làm nên lịch sử”.
Không, người thơ “mãi lang thang, hồn khắc khoải, tìm chưa ra một cõi về”, thân lưu đày, không biết về đâu ở một điạ chỉ nào có thực… trong cảnh “mãi lênh đênh nơi phồn vinh phố thị”, nên người “đi giữa phố phường lưu lạc…”
Tôi bỗng nhớ đến những vần thơ tê tái biệt ly của một Lamennais, nhà thơ Pháp vào thế kỷ 19 nhan đề “Kiếp Lưu Đày” (L’exilé):
“Lang thang vơ vẩn trên đường
Lưu ly bao quản tuyết sương lạnh lùng
Trêu người chi mấy Hóa công
Thân này sao hãm vào trong cuộc này”…
(Lamenmais)
Hoặc những vần thơ “cà rởn”, say say, tỉnh tỉnh, hồn nhiên của nhà thơ điên Bùi Giáng “tìm về nguồn”:
“Đi về làng xóm năm xưa,
Viếng thăm quê cũ người chưa quên người.
… Người hỏi tôi: “Từ đâu ông đến nơi đây?”
– Thưa cô thôn nữ, từ đây tôi về,
– Ủa phải anh Sáu Giáng đó không?”
– Và cô có phải cô Bông năm nào?
– Anh còn nhớ rõ ôi chao?
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh.
Anh điên mà dzui dzẻ thập thành,
Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu?”
Rồi những vần thơ đẫm nước mắt của Cao Bá Nhạ trong Khúc Tự Tình. Trên bước đường phát vãng, người cháu của Cao Bá Quát khóc cho nỗi oan khiên của mình, vì tội chú mà mình bị vạ lây phải bị lưu đày đau khổ và đau khổ. Nhưng không, không đâu bằng khúc ca quốc hận, nỗi mất nước mất nhà của kẻ lưu vong Quốc Nam.
Quả thực, tôi cho rằng không có cái đau xót thiếu quê hương nào não nuột bằng của Quốc Nam, nhà văn hóa Việt Nam của thời đại ly hương! Tôi lặp lại và chép tiếp đủ bài thơ “Địa Chỉ Tôi” để quý độc giả nhàn lãm một hiện thực niềm đau lịch sử của thi nhân, mà có lẽ cũng là của tất cả chúng ta:
Địa Chỉ Tôi (tiếp)
… Tôi nước mắt, giữa khung trời hải ngoại.
Đã bao năm không mái ấm gia đình.
Không cửa nhà, mưa nắng, mãi lênh đênh.
Tôi tìm tôi trong nỗi sầu viễn xứ.
Nếu hỏi tôi một chốn nào trú ngụ?
Tôi nào đâu có địa chỉ bao giờ.
Kể từ khi bỏ quê cũ xa mờ,
Vẫn sống bên lề phồn vinh phố thị.
Địa chỉ tôi là góc đời ảo mị,
Mãi lang thang, tìm một chốn ủi an.
Óc tim tôi in hình bóng xóm làng,
Nắng cổ tích trên dậu tre, hoa, bướm.
Xin hãy cho tôi tình quê thắm đượm.
Địa chỉ tôi là một mái tranh nghèo.
Ruộng lúa vàng làm lịch sử cuốn theo,
Trong tình tự dân tôi vươn sóng lớn.
Em hãy hiểu đời lưu vong tôi, vốn
Chưa bao giờ tìm được một cõi về.
Bởi hồn tôi khắc khoải từng đêm mê.
Bến hạnh phúc là quê hương bất hạnh.
***
Em yêu dấu, khi nào em nữ thánh,
Sẽ biết tôi còn thiếu chốn bằng an.
Từ lưu đày, đã quá hai chục năm,
Tôi ao ước địa chỉ nào có thực.
Nay quê nhà còn dẫy đầy áp bức.
Đồng bào tôi thiếu dân chủ tự do.
Tôi lật trang lịch sử biến thành thơ.
Xin đốt đuốc xác thân này tranh đấu.
Rồi có ngày tôi, em, về bến đậu,
Trên luống rau gốc lúa của quê hương.
Địa chỉ tôi là mái lá bình thường.
Em thấy đó, giấc mơ tôi nhỏ, bé…
(Tháng Tư 1997)
Mượt mà quá, người đọc nghe đâu đây âm thanh vi vu của tiếng sáo chiều văng vẳng, hòa lẫn với điệu nhạc thiên nhiên, thân tre xào xạc, có con cò trắng đậu nhịp nhàng gió ru, thoang thoảng mùi lúa chín ngát hương, trên cánh đồng quê vàng rực của đất nước mình.
Cuộc gặp gỡ của tôi và Vũ Hối với nhà thơ Quốc Nam thực bất ngờ và ngắn ngủi, nhưng đầy thú vị và bổ ích. Rồi tôi lại được mời nói chuyện tâm tình với các bạn đồng hương ở Seattle nơi Cao Nguyên Tình Xanh, trên làn sóng điện của Đài Phát Thanh Sài-Gòn SRBS của Quốc Nam, và rồi cùng dạo chơi với anh trong Công Viên Tượng Vàng Việt Nam, với Tượng Đài, với kim bảng ghi khắc những chứng tích về các Đại Hội Quốc Tế Tượng Vàng mà anh đã tổ chức, cũng như chứng kiến một số công trình văn học và cơ đồ văn hóa lừng lững của anh. Tôi có ý định chỉ gởi gấm những ái mộ và ca ngợi của mình qua một bài cảm nhận chung chung rất khiêm nhường, nhưng cảm thấy như thế chưa nói hết ý tình của mình, nên tự thoả mãn với bài tiểu luận này – có thể còn thiếu sót – để tuyên dương sự nghiệp toàn diện và đa dạng của anh: Thi sĩ Quốc Nam, nhà văn hóa Việt Nam nổi bật trong thời đại ly hương của chúng ta trên đất nước Huê Kỳ.
Nhìn vào sự nghiệp đồ sộ mà Quốc Nam đã và đang đóng góp cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam, cảm nhận thái độ hăng say anh hằng có… cùng nỗi lòng của nhà thơ đối với đất nước giữa cảnh tình vong quốc bi đát hiện nay, nhất là tác phong năng động không hề mệt mỏi và hoài bão anh hằng ấp ủ, tôi bỗng nghĩ đến câu tư tưởng vô cùng xác đáng của triết gia thời đại Martin Heidegger: “Mọi sự hoàn thành chỉ mới là sự bắt đầu” với nhà văn hóa Quốc Nam.
Bruxelles, thủ đô của Liên Hiệp Âu Châu 2002.
VŨ KÝ
Vài dòng tiểu sử ngắn gọn về Cố Nhà Văn Lớn VŨ KÝ.
Giáo Sư/Tác Giả/Nhà văn Vũ Ký (1922-2008) là một Học Giả danh tiếng của Việt Nam. Tại hải ngoại, ông là GS Giám Khảo Viện Tú Tài Quốc Tế ở Londres và Genève, Hội Viên Hiệp Hội Các Nhà Văn Vương Quốc Bỉ (SABAM) ở Bruxelles, Hội Viên Học Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (Yale University, USA).
Học giả Vũ Ký sinh năm 1922 tại xã Dương Đàn, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tạ thế ngày 14/11/2008 tại vương quốc Bỉ. Xuất thân từ một gia đình Nho phong, Ông và người em út là danh họa Vũ Hối đều là chiến sĩ cách mạng và đều là nạn nhân của CSVN. Ông tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng từ năm 1946, bị Việt Minh kết án 20 năm tù khổ sai ở trại giam Liên khu V Tiên Lập. Sau năm 1975, VC bắt giam ở Saigon và trại Tiên Lãnh, Quảng Nam (1976-1980).
Trước năm 1975, học giả Vũ Ký đã hoạt động:
– Dạy học ở Lyceum Pasteur, Hà Nội (1946); Trường Quốc Học (Huế), trường Pétrus Ký (Saigon), và một số trường trung học khác. Viết văn, viết báo, viết sách (với trên 26 tác phẩm sáng tác, biên khảo, dịch thuật…).
– Biên tập viên Đài Phát Thanh Saigon (Diễn Đàn Thi Văn).
– Hội Viên Hội Điền Chế Tự Điển Việt Nam.
– Hội Viên Hội Nhà Văn VN.
Từ năm 1980, học giả Vũ Ký cũng hoạt động văn hóa rất tích cực. Ông liên tục viết văn, viết báo và phê bình văn học. Ông cũng cho tái bản một số sách đã soạn, và ấn hành sách mới (bằng Việt hoặc Pháp ngữ). Hiện có một số sách của ông được dùng giảng dậy tại nhiều viện Đại Học ở Pháp, Anh, Hoa Kỳ… Đặc biệt 3 tác phẩm sau đây của học giả Vũ Ký đang được độc giả khắp nơi đón nhận nồng nhiệt: Luận Cương Về Văn Hóa VN (in lần thứ 3), Nghệ Thuật Viết Văn (in lần thứ 5), và tác phẩm “Về Nguồn”.