MỪNG LỄ LAO ĐỘNG HOA KỲ 2022!
Cuối Tuần Này (Long Weekend!): Thứ Hai ngày 5 tháng 9/ 2022. Mừng Lễ Lao Động Hoa Kỳ! (Labor Day!)
*Ý nghĩa
Ngày lễ truyền thống lịch sử này, được mừng vào thứ Hai đầu tiên, của tháng 9 mỗi năm. Năm nay, vào Thứ Hai, ngày 5/9/2022.
Đây là một trong những ngày lễ lớn quốc gia, các cơ quan công quyền, hãng xưởng đóng cửa hết! Mọi người dân được hưởng một cuối tuần dài vui vẻ, để nghỉ ngơi, vui chơi với gia đình, bạn bè và người thân.
Lễ Lao Động là ngày dành riêng để tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp quan trọng Lực Lượng Lao Động, cho xã hội và kinh tế. Đủ mọi ngành nghề, đã đóng góp vào sự phát triển phồn thịnh của đất nước Hoa Kỳ, một trong những quốc gia giầu có, văn minh nhất thế giới. Tất cả nhờ công sức lao động!
Ý tưởng có ngày lễ này, do từ một người thợ máy, tên Marguire Matthew, người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, cũng là một đoàn viên trong trong Nghiệp đoàn lao động. Ông muốn những công nhân phải có một ngày được vinh danh và nghỉ ngơi, như nước láng giềng Canada và tranh đấu để có một ngày như thế tại Mỹ.
Lễ lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1882, nhưng đến năm 1884 mới thành ngày lễ chính thức.
Trong ngày lễ này, các hiệp hội công nhân, các nghiệp đoàn, thường tổ chức những buổi diễn hành lớn, hòa nhạc, bắn pháo bông tưng bừng. Kèm theo những sự kiện thể thao, nhằm tôn vinh các lực lượng lao động đủ mọi ngành nghề của đất nước.
-Không chính thức, nhưng hầu hết người Mỹ dùng ngày lễ này, để đánh dấu sự chấm dứt của Mùa Hè, để bước qua Mùa Thu với…“con nai vàng ngơ ngác…nhìn lá vàng rơi!”
-Sinh viên, học sinh bắt đầu mùa tựu trường.
-Mùa Football bắt đầu! (NFL thường chơi trận banh Cà Na đầu tiên vào thứ Năm, sau ngày lễ.)
– Đây cũng là dịp đánh dấu ngày mua sắm hàng hóa, quà bánh, vật dụng để sửa soạn cho những ngày lễ lớn cuối năm. Thương vụ thu nhập mua bán khổng lồ này, chỉ thua ngày Black Friday! (Vào dịp Lễ Tạ Ơn)
-Dịp cuối cùng để thực hiện các sinh hoạt ngoài trời, như cắm trại, ra biển, picnic, nướng barbecue, giã từ những ngày nắng ấm, trước khi trời trở lạnh, vào Thu!
Tóm lại ý nghĩa ngày lễ, bằng trí óc hay chân tay: Chỉ có Lao động, lao động, lao động! Nhất là với bàn tay lem luốc, công việc cực nhọc, vầng trán suy nghĩ thấm mồ hôi. Mới biến thế giới này tốt đẹp hơn! Không còn cách nào khác!
Danh Ngôn Về Lao Động:
-Tôi chưa bao giờ vô tình làm điều gì, cũng như không phát minh nào của tôi đến từ sự vô tình cả. Chúng đến từ những vất vả, kết quả của lao động! (Thomas Edison)
-Ý tưởng phải được tạo thành qua khối óc và bàn tay cần cù lao động, của những người tốt và can đảm. Không thì tất cả cũng chẳng hơn là những giấc mơ. (Ralph Waldo)
-Người lao động là người hạnh phúc nhất. Chính những kẻ nhàn rỗi, lười biếng, mới là người khốn khổ! (Benjamin Franklin)
-Anh phải lao động không mệt mỏi và táo bạo, nếu anh thực sự muốn sống hạnh phúc và có ý nghĩa! (Vincent Van Gogh)
-Thế giới đang tiến về phía trước, không phải bởi những cú đẩy mạnh mẽ của những anh hùng, những thần thánh. Mà bởi tổng hợp những cú đẩy yếu ớt của những người lao động lương thiện. Chúng trở thành sức mạnh vô song! (Helen Kell)
-Người lao động chăm chỉ, không bao giờ tuyệt vọng, bởi họ tin tưởng rằng, tất cả điều tốt đẹp đạt được, tất cả bằng sự chăm chỉ lao động! (vô danh)
Lời Chúc Mừng
Kính chúc Quý Vị, Gia Đình, Bạn Bè và Người Thân: Một Ngày Lễ Lao Động Vui Vẻ, Hạnh Phúc, An Vui và đạt mọi điều ước muốn trong cuộc sống, trên đất nước tự do này, mà Thượng Đế thương cách riêng! Có sức khỏe dẻo dai, để “làm ngày không đủ! tranh thủ…làm đêm!” (Hì hì!)
Lễ Lao Động với Người Việt Tị Nạn CS trên đất Mỹ!
(Theo RFA) Ngày lễ Lao Động tại Hoa Kỳ được tổ chức vào ngày Thứ Hai đầu tiên trong tháng 9 của mỗi năm.
Lễ Lao Động có hơn 100 năm trước, nhằm mục đích vinh danh những đóng góp của giới lao động cho xứ sở này. Hoa kỳ có trên 153.84 triệu công nhân viên toàn thời gian.
Hằng năm cứ vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng Chín là người dân Mỹ được nghỉ Lễ Lao Động. Đây là một trong những dịp lễ lớn của Hoa Kỳ.
Vì được “nghỉ bắc cầu” từ thứ Bảy trước đó, nên người Mỹ thường đi cắm trại, đi biển hay tụ tập nhau đi picnic ngoài công viên, hoặc là ở nhà nướng barbecue. Nhưng cũng có người dùng thời gian được nghỉ để thăm viếng bằng hữu, như anh Linh chia sẻ:
“Lễ Lao động thì ở nhà nghỉ cho khỏe thôi, cầy cả năm rồi! có lẽ cũng đi vòng quanh thăm mấy người bạn.”
Vào dịp lễ, cũng có người phải đi làm vì sự cần thiết của công việc, nhưng họ được trả lương phụ trội như lời giải thích của cô My, từ California:
“Nếu làm việc ngày lễ thì được trả overtime. Thường thường overtime thì tùy hãng; có chỗ trả ngày đó là một rưỡi, có nơi trả gấp đôi, và có khi còn được trả tới gấp hai rưỡi! nên dù vào ngày lễ, vì động lực cần tiền, cũng cố gắng đi cầy!”
Đã từng sống và đi làm tại Việt Nam trước khi vượt biển tìm Tự Do, anh Linh nói là tại Việt Nam, giới công nhân và nông dân đã không được đối xử công bằng, nói thẳng là bị bóc lột:
“Ngày Lễ Lao Động ở Việt Nam cũng được nghỉ, nhưng thực sự ra, ở Việt Nam, chính phủ Cộng Sản nói là hai tầng lớp công nhân và nông dân, là hai tầng lớp để bảo vệ và xây dựng Xã hội chủ nghĩa. Nhưng mà đấy chỉ là vấn đề trên giấy tờ, tuyên truyền mà thôi. Họ tâng bốc “nhân dân làm chủ, nhà nước là đầy tớ!” Nhưng thực tế thì trái lại, “đầy tớ bóc lột chủ! đầy tớ thì giầu, chủ thì nghèo đói triền miên! Nghèo rớt mùng tơi!…có ngược ngạo không chứ!”
Công nhân một xí nghiệp hạt điều ở SG và Một cuộc đình công của công nhân tại Việt Nam, ảnh chụp trước đây.
Ngày hôm nay, sau 47 năm, CS ăn cướp được miền Nam, đã gần nửa thế kỷ! thì thực tế đã cho người dân trong nước cũng như người ở hải ngoại tị nạn cộng sản, thấy rõ ràng là lực lượng công nhân và nông dân bị bóc lột một cách rất là thậm tệ. Cho nên những lời nói ngọt ngào của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, là những chiêu bài để dụ dỗ công nhân và nông dân, mà người dân lại không ý thức, nhận ra thế đứng của mình, và chỉ là công cụ cho đảng cộng sản Việt Nam lợi dụng mà thôi! Chính vì thế Việt Nam hiện nay, được liệt vào những quốc gia nghèo đói nhất thế giới!”
Trong khi đó, anh Thắng là một công nhân đang làm việc tại Galveston, thì so sánh lễ Lao Động ở Mỹ và ở Việt Nam như sau:
“Ngày lễ Lao Động ở Mỹ đúng nghĩa là Lễ Lao Động, để vinh danh người công nhân đi làm cho xứ Mỹ này. Còn ở Việt Nam, cũng là Lễ Lao Động, nhưng thực chất là họ lợi dụng công nhân, để bóc lột người lao động. Nhờ người công nhân đó mà đưa đảng Cộng sản lên. Con cháu cán bộ lãnh đạo du học, tậu những bất động sản hàng triệu đô, ở nước ngoài.
Tuy nói là Lễ Lao Động nhưng thực chất là để họ vinh danh đảng Cộng sản, thì đó là một sự bóc lột của đảng Cộng sản với người dân, mà nhất là bóc lột giới công nhân. Cho nên ngày Lễ Lao Động không còn là ngày Lễ Lao Động của người công nhân nữa. Mặc dù là Lễ Lao Động mà người công nhân vẫn phải đi làm. Họ làm quần quật trong ngày đó, nhưng vẫn không đủ để sống. Trong khi ở Mỹ này, ngày lễ Lao Động thì người công nhân họ được vui chơi, thoải mái!”
Anh Thắng nói thêm rằng, vào ngày Lễ Lao Động tại Việt Nam cũng có ca nhạc, liên hoan mừng công nhân, nhưng không dành cho những công nhân không phải là đảng viên! Con cháu cán bộ.
“Buổi tối cũng có nhạc, đại nhạc hội này kia để mừng cho những công nhân xuất sắc tiên tiến, nhưng những thành phần đó thì toàn là đảng viên, đoàn viên thanh niên của đảng cộng sản TP HCM thôi, chứ người công nhân mà không nằm trong thành phần đó, thì đâu có được dự.”
Là nhân viên của thành phố Houston, Anh Linh cho biết, công nhân ở Hoa Kỳ luôn được bảo vệ, đặc biệt là những nơi có nghiệp đoàn:
“Quyền lợi của người lao động được bảo vệ một cách tối đa. Tụi em thì có Union (nghiệp đoàn), thành ra mỗi lần có chuyện gì xảy, như bóc lột, kỳ thị, thì nghiệp đoàn đứng ra bảo vệ cho quyền lợi của mình.”
Cô My cho biết thêm về sự bảo vệ cho công nhân viên như sau:
“Có được bảo vệ dưới luật pháp của nước Mỹ, như là không được mướn trẻ em chưa đủ tuổi đi làm. Một cái tốt nữa là, chính phủ có định số lương tối thiểu cho mọi người, nên người chủ không có ngược đãi mà trả lương thấp, dưới giá ấn định!”
Sau mùa dịch bệnh Covid-19, hiện nay với tỷ lệ thất nghiệp khá cao tại Mỹ, nhiều người cũng lo ngại cho tương lai, có thể lâm vào tình trạng suy thoái, nhưng anh Linh thì tin tưởng vào những quyền lợi mà chính phủ Mỹ dành cho người dân:
“Ở Hoa Kỳ đi làm mà bị mất việc, thì được lãnh tiền thất nghiệp. Trong thời gian đó, thì mình đi kiếm việc làm khác, hoặc giả là mình đi học thêm, để mình có thêm skills, có công ăn việc làm tốt hơn tương lai.”
Nhưng cô Hương Trương thì cho biết là cô không đi làm vài năm nay, tuy nhiên cô không xin tiền thất nghiệp vì cô tự ý nghỉ việc:
“Coi như thất nghiệp mấy năm nay rồi, nhưng tôi không xin tiền gì hết. Vì tôi tự động nghỉ. Trong gia đình kinh tế thu nhập cũng yên ổn, thành ra nghỉ, chỉ làm part-time thôi, cho khỏe!”.
Trong khi đó cô Lan từ tiểu bang Oklahoma nói rằng, cô rất may mắn vì từ lúc qua Mỹ đến nay, vợ chồng cô chưa hề bị thất nghiệp bao giờ!:
“Lễ Lao Động ở Việt Nam không phải là ngày Labor Day như ở đây đâu, mà là ngày 1 tháng 5, ngày Quốc tế Lao động. Tụi cháu, nhờ Trời, từ hồi qua Mỹ tới giờ, chưa có phải thất nghiệp bao giờ.”
Hiện nay nước Mỹ đang ở tình trạng kinh tế yếu kém và thất nghiệp cao. Nhưng so với Âu Châu và Việt Nam, thì nạn thất nghiệp ở Hoa Kỳ còn thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, vai trò của giới công nhân trở thành rất quan trọng, nhất là trong dịp lễ Lao Động và mùa tổng tuyển cử vào tháng Mười Một 2022 sắp tới. Nạn thất nghiệp là một vấn đề nan giải của chính quyền Tổng Thống Joe Biden và có thể làm cho chiếc ghế tổng thống của ông bị lung lay, trước sự chỉ trích của đảng Cộng Hòa trong mùa tranh cử và sự bất mãn của giới công nhân. Kinh tế vẫn là lý do chính, thay đổi người lãnh đạo.
Và đây cũng là một điểm vô cùng khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nếu đảng Dân Chủ đang cầm quyền không giải quyết được nạn thất nghiệp, thì đảng Cộng Hòa có thể sẽ được dân bầu lên thay thế để phục vụ quốc gia.
Còn ở Việt Nam với chế độ độc tài, độc đảng, thì Đảng Cộng Sản có toàn quyền sanh sát và giới công nhân vẫn là giới phải luôn cúi đầu làm việc và chịu đựng mọi sự bất công, dù cho có bao nhiêu biểu ngữ tốt đẹp tuyên truyền ca ngợi, họ là những người anh hùng Lao Động!
Nên ngày nào còn Đảng, người dân vẫn còn nghèo đói, chỉ có đám “đầy tớ nhân dân!” là giầu, đất nước vẫn không bao giờ khá!