Từ mối diễm tình của Tiên nữ Đồng Tháp với Tổng thống Thiệu, đến cuộc đời nhà văn hóa Quốc Nam.* Yên tử cư sĩ Trần Đại Sỹ.LTS.- Tác giả Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ hiện là Bác Sĩ Giám Đốc Trung Quốc Sự Vụ tại Viện Pháp-Á (IFA), Thành Viên trong Y Sĩ Đoàn Pháp Quốc. Ông là người cầm bút nổi tiếng trước và sau năm 1975, đã viết được hơn 100 ngàn trang sách về lịch sử và y học. Đầy đủ tiểu sử Tác giả YTCS/TĐS được ghi dưới bài viết độc đáo này. BS/Tác giả Trần Đại Sỹ hội ngộ cùng 3 cựu SVSQ Võ Bị Dalat tại Dallas TX ngày 26/5/2012. Hình từ trái qua phải: Quốc Nam Khoá 22, Dr. Trần Đại Sỹ, Nguyễn Quang Vinh Khoá 14 & Nguyễn Ngọc Ánh Khoá 16. Photo By Nguyễn Văn Mùi. 1. Quê hương đầy huyền thoại. Hôm nay là ngày 6 tháng 5 năm 2012, toàn nước Pháp rung động trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2. Chỉ lát nữa đây, sẽ công bố kết quả, một trong hai ứng viên sẽ thành Tổng thống. Ứng viên thứ nhất là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy của đảng UMP. Ứng viên thứ nhì là François Hollande của đảng Xã hội. Mặc nước Pháp ồn ào, âm u giá lạnh, tôi ngồi ở giữa quận 12 Paris viết về một người bạn của tôi đã 40 năm, tôi gọi anh là nhà văn hoá, tên anh là Quốc Nam. Vì sao? Vì : anh là thi sĩ, văn sĩ, ký giả có bề dầy 50 năm văn hóa, sống bằng nghề cầm bút. Anh đã trải qua nhiều thăng trầm với văn hóa Việt, giữ nhiều chức vụ, từ biên tập viên nhỏ bé, đến thư ký toà báo, chủ trương biên tập, giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị. Anh là người tổ chức tuyển lựa ca sĩ Giải Quốc Tế Tượng Vàng, đại hội văn chương phụ nữ Việt Nam. Sau nửa thế kỷ cầm bút, tài sản của anh với hơn chục tác phẩm vừa thơ, vừa văn. Bây giờ sắp sang « tuổi cổ lai hy » mà vẫn hoạt động, vẫn viết không mệt mỏi. Hôm nay cũng là ngày kỷ niệm bán nguyệt san Tre Xanh, tờ báo do Quốc Nam chủ biên ra số đầu vào ngày 6 tháng 5 năm 1975 tại trại tỵ nạn Hương Cảng. Số Tử vi của tôi có cung Nô bộc cực tốt, nên được nhiều thầy yêu thương, nhiều bạn tốt, nhiều học trò giỏi. Hồi chưa có computer tôi lập ra một cuốn sổ vàng ghi hành trạng của những người thân. Từ khi dùng computer (1985) tôi chép vào máy. Quốc Nam là một người bạn trong sổ vàng của tôi. Suốt từ khi biết anh vào năm 1972, đến nay trải 40 năm, Anh làm gì, viết gì, vui gì, buồn gì, tôi đều ghi chép đầy đủ. Cho nên viết về Quốc Nam tôi có đủ hết. Cuộc đời nhà văn hóa Quốc Nam trước sau đã có hơn 50 vị viết, phê bình. Trong đời anh, kẻ khen cũng nhiều, mà người ghét cũng lắm. Trong những người ghét, có một kẻ thù dằng dai 34 năm, mà vô tình tôi tạo cho Quốc Nam. Lại nữa những hoạt động văn hóa của Quốc Nam phong phú quá, đa dạng quá, nếu viết hết, viết đầy đủ, e phải trên dưới nghìn trang. Vì vậy tôi chỉ ghi vài nét chính mà ít ai biết, chưa ai viết. Trước hết tôi xin viết về quê hương của Quốc Nam. Quốc Nam tên thực là Nguyễn Xuân Nam, sinh tại xã Thủy Nhai, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam định, vào tháng 9 năm 1944 (Giáp Thân). Đây là vùng đất linh của Việt Nam, đầy di tích lịch sử, đầy huyền thoại. Nào mời quý vị lướt qua: Con sông Hồng Hà chảy tới gần biển, đông ngạn là Thái Bình, tây ngạn là Nam Định, khi qua bến Tân Đệ thì chẻ làm 2. Nhánh phía đông thành sông Thái Bình, nhánh phía tây thành sông Ninh Cơ. Cái mỏm sông giống hình mõm cá chép. Ngôi làng ngay mõm cá là làng Hành Thiện. Kế tiếp đi vào mang cá là các làng Ngọc Cục, Bùi Chu, Trung Linh, Thủy Nhai, Phú Nhai. Xuống tới Lạc Quần thì sang huyện Hải Hậu với các xã: Trung Thành, Phạm Vị, Phạm Pháo, Quần Phương trung, Quần Phương thượng, Quần Phương hạ v.v… (1) Tất cả các làng từ mõm con cá chép đi xuống đều có những huyền thoại văn hóa, là nơi sản xuất ra rất nhiều các vị đại khoa bảng, là quê hương của nhiều văn, thi sĩ, nhạc sĩ. Vào thế kỷ thứ 12, Bồ tát Minh Không kiến tạo 2 ngôi chùa đều mang tên Thần quang tự. Thần quang tự thứ nhất còn gọi là chùa Keo Giao Thủy hay chùa Keo Dưới. Chùa Keo thứ nhì thuộc Hành Thiện còn gọi là chùa Keo Trên. Minh Không bồ tát xây dựng vào niên hiệu Chương thánh Gia khánh thứ 3 (Dl 1061) đời vua Lý Thánh Tông. Lúc đầu chùa mang tên Nghiêm Quang. Niên hiệu Chính Long Bảo ứng thứ 9 (Dl.1167), nhân dịp vua Lý Thánh Tông hành hương, ngài ban tiền đại trùng tu rồi đổi tên là Thần Quang. Hai chùa, một ngay trên bờ đông, một tại mắt con cá. Hai ngôi chùa này ngày nay vẫn còn. Tháng 4 năm 1962 được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá, được bảo quản rất cẩn thận, nay trở thành một thắng cảnh du lịch danh tiếng. Hằng năm khách vãng cảnh đông đúc vô cùng. Nếu họ là Phật tử thì họ viếng thăm để được hành hương một đất linh. Du khách viếng thăm để được chiêm ngưỡng một ngôi chùa cổ nghìn năm, một kiến trúc xưa. Lùi xuống dưới Hành Thiện là làng Ngọc Cục. Ngôi làng này có một huyền thoại lịch sử. Vào thời Lê mạt của Đại Việt, vua Càn Long nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị kéo cao cờ hưng diệt kế tuyệt (2) giúp vua Lê Chiêu Thống tái lập triều Lê. Quân Tây Sơn rút lui để tránh mũi nhọn quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị sai Sầm Nghi Đống cùng một Hoa kiều tên Lê Tất Luyện, giả xưng tôn thất nhà Lê trấn vùng Sơn Nam hạ (Nam Định, Ninh Bình). Tên Hoa kiều dẫn đường cho Sầm Nghi Đống kéo quân đi cướp vàng ngọc của dân. Cạnh Sầm có một tên nho sĩ rất giỏi phong thủy, y cố vấn cho Sầm : Chỉ trong hơn tháng nữa, Tôn nguyên soái sẽ tiến quân vào hang ổ của Huệ, thế nào Ngài cũng phải tùng chinh. Đường đi núi non hiểm trở mà mang vàng ngọc theo thì bất tiện, chi bằng chôn dấu, rồi khi hồi hương, ta đào lên mang về. Sầm nghe theo. Lê Tất Luyện tìm một cồn đất đào hầm chôn vàng, ngọc. Y sai bắt một trinh nữ đẹp chôn theo làm thần giữ của. Khi vua Quang Trung mang quân ra Bắc, Sầm cùng tùy tùng trốn về Thăng Long thì Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy. Sầm thắt cổ chết. Lê Tất Luyện bị dân Thăng Long băm xác. Từ đấy tại gò chôn vàng ngọc, đêm trăng sáng thường thấy một cô gái hiện lên. Dân chúng sợ ma, dựng cái am bằng gỗ thờ Phật để trấn áp. Nhưng không tăng ni nào dám đến trụ trì vì con ma nữ cứ hiện lên. Đến thời vua Minh Mệnh triều Nguyễn (1831), một hòa thượng từ chùa Báo Ân Bắc Ninh (nay là Gia Lâm, Hà Nội) vân du qua. Nghe Phật tử kể về ma nữ. Đêm rằm, ngài nhập thiền, chờ ma hiện ra. Quả nhiên sang canh ba, có tiếng cộp, rồi dưới bụi hoa Móng rồng mở ra cửa hầm, một thiếu nữ từ dưới hầm đi lên, thẩn thơ dạo quanh mấy bụi hoa. Hòa thượng đem một tượng Phật đặt ngay cửa hầm rồi ngồi chờ. Sang canh tư, thiếu nữ trở về hầm, thấy tượng Phật thì nhảy lùi lại, chạy quanh bụi hoa, như tìm đường vào hầm. Thấy hòa thượng, thiếu nữ quỳ gối đỉnh lễ rồi khóc : – A Di Đà Phật, xin sư cụ cứu con ra khỏi cảnh giam hãm này. Rồi nàng kể rằng nàng bị trói bằng xích sắt, với 5 đạo bùa. Chỉ đêm rằm mới được rời hầm ra ngoài trong hai giờ (4 giờ ngày nay). Quá hạn thì hồn, xác vĩnh viễn không nhập vào nhau được nữa. Muốn cứu con, xin sư cụ đào xuống sâu, chặt xích sắt, gỡ bùa ra thì con mới thoát cảnh tù cả hồn lẫn xác. Hòa thượng đem tượng Phật khỏi cửa hầm. Cô gái biến vào hầm. Hầm đóng lại. Ngài báo cho quan huyện biết sự việc, xin phép được đào hầm. Quả nhiên đào sâu xuống 20 thước (5m ngày nay) thì thấy một cái hầm đá, trong hầm có bộ xương thiếu nữ trong tư thế ngồi, chân tay bị xích trên cái hộp đá. Bốn bên hộp đá có 4 hộp bạc nhỏ, trong đặt bùa. Sau khi đem bộ xương thiếu nữ, từ hầm đá ra thì dưới đáy có 5 thùng đựng vàng, bạc, châu báu. Tất cả được báo lên Tổng đốc. Tổng đốc sai chở về kinh đô Phú Xuân. Triều đình cho thiết lập một xã tại cồn đất ấy, đặt tên là xã Ngọc Cục (cục không phải là viên hay hòn, mà có nghĩa là một khu vực, như cục tâm lý chiến v.v…). Bộ xương cô gái được đem thủy táng tại cái giếng ở giữa mõm con cá. Sau là trung tâm làng Hành Thiện. Đây là đất thiêng. Dân làng phải canh chừng, bằng không kẻ nào cắm xuống giếng một cái cọc là con gái trong vùng chửa hoang hết. Cái am được kiến tạo thành ngôi chùa, chùa mang tên Ngọc Cục. Chùa do các sư thuộc giòng thiền Yên Tử trụ trì cho đến đầu thế kỷ thứ 20. Từ Hành Thiện, Ngọc Cục đi xuống có bốn xã Bùi Chu, Trung Linh, Thủy Nhai, Phú Nhai. Cả 4 xã là cái nôi của văn hóa Thiên Chúa Giáo thời 1920-1954. Vào thập niên 40, 50 thế kỷ thứ 20, Bùi Chu, Phát Diệm đã trở thành thủ đô của đạo Chúa tại Đông dương… Xin kể một huyền thoại: Cuối thế kỷ thứ 19, đức giám mục địa phận Bùi Chu là người Bồ đào nha. Ngài cho xây một ngôi nhà thờ tại xã Phú Nhai, cách Thủy Nhai khá xa. Ngôi nhà thờ lớn nhất Đông Dương hồi đó. Tường quét vôi mầu xám. Suốt một vùng Nam Định, Thái Bình xa hằng trăm cây số đều nhìn thấy như trái núi. Nhà thờ có 6 quả chuông đặt đúc từ La Mã, 6 khổ to nhỏ khác nhau. Khi giật dây, chuông phát ra 6 âm thanh một lúc nghe rộn ràng như chư thánh gọi con chiên tới nhà thờ chầu Chúa. Khánh thành xong, nhà thờ được trao cho linh mục Ăng Tôn Kính quản thủ. Cha Ăng Tôn là một linh mục mới chịu chức. Cha muốn cho mọi người trong vùng dù có đạo hay không được nghe tiếng chuông như tiếng Chúa gọi. Cha ra lệnh: mỗi ngày 3 lần, sáng, trưa, chiều khua chuông. Tiếng chuông làm các sư chùa Ngọc Cục phân tâm không nhập thiền được. Sư trưởng nguyên là đệ tử chùa Chiêu Thiền (chùa Láng, Hà Nội ngày nay). Sư tìm đến chùa Chiêu Thiền thỉnh sư tổ dạy cho thức Thiền nhĩ lực chống tiếng chuông. Tổ từ Hà Nội xuống chùa Ngọc Cục. Sau 2 ngày nghe chuông, tổ ban huấn dụ: không có thức thiền nào chống được tiếng chuông mà thanh lực mạnh như vậy. Trưa hôm đó giữa lúc chuông Phú Nhai khua rổn rảng, tổ đứng giữa sân chĩa tay làm phép. Tiếng chuông đang keng keng… keng keng lập tức cạch cạch… cạch cạch. Cho rằng chuông đúc có lỗi kỹ thuật. Chuông được tháo ra đem về Hà Nội, gửi sang La Mã sửa. Trước khi đóng thùng gửi đi các kỹ sư Pháp treo chuông lên quan sát kỹ: không có vết tích lỗi kỹ thuật nào cả. Gõ thử từng quả, tiếng chuông phát ra rất lớn. Cho rằng chuông cành cạch do cách treo có lỗi kỷ thuật, kỹ sư Jean Marc Couverselle tháp tùng chuông, đem về Phú Nhai. Đích thân Couverselle chỉ huy treo chuông. Không ngờ khi giật dây khua chuông, tiếng phát ra vẫn cành cạch. Lý trưởng Thủy Nhai biết hết chư sự, nói với ông Trùm. Ông Trùm sai ông Biện sắm một lễ sang chùa Ngọc Cục xin Tổ. Tổ nói: từ nay mỗi ngày chỉ được khua chuông hai lần vào buổi sáng, buổi chiều thôi. Rồi Tổ ra sân chĩa tay làm phép. Chuông kêu trở lại. Bấy giờ cha Ăng Tôn Kính mới biết rằng đây là vùng đất linh, không thể nhân danh đạo Chúa muốn làm gì thì làm. Tuy vậy cha cũng sai đắp một tượng thánh Ăng Tôn đặt tại biên giới hai xã Ngọc Cục, Thủy nhai, hướng về chùa Ngọc Cục, đề phòng hiện tượng chuông câm tái diễn. Rồi huyền thoại nảy sinh: thánh Ăng Tôn rất thiêng, che chở cho dân trong vùng: dù Lương, dù Giáo không phân biệt. Họ được thánh bảo vệ không bị trộm cắp, ít bệnh hoạn, mưa thuận gió hoà, ít bão lụt. Hễ nhà nào bị trộm, cứ đến trước tượng thánh khấn, thì y như là xã tìm ra kẻ trộm. Ai đánh rơi mất vật, mất giấy tờ, tới trước tượng thánh cầu xin là y như tìm thấy ngay. Trẻ con bị bệnh, thầy lang trị không khỏi, bế trẻ tới trước tượng thánh cầu xin lập tức trẻ hết bệnh. Tiếng đồn thánh Ăng Tôn linh, lan khắp phủ Xuân Trường, lan tới phủ Hải Hậu, vượt sông Ninh Cơ sang Trực Ninh, vượt sông Hồng sang Thái Bình. Dân bên Lương tin thánh, cầu thánh đông hơn dân bên Giáo. Bên Giáo chỉ cầu nguyện thôi, còn dân bên Lương đều mang lễ tới: xôi, gà, hoa quả tạ thánh. Có hằng trăm huyền thoại kể về linh thiêng của thánh Ăng Tôn. Xin thuật lại hai huyền thoại nay còn lưu truyền, dù trải qua 70 năm dưới chế độ Cộng Sản. Huyền thoại thứ nhất, bấy giờ là năm 1938, có anh trưởng xóm luộc một con gà, xôi ba đĩa xôi mang đến miếu thổ thần cúng nhân ngày rằm. Khi qua tượng thánh Ăng Tôn, anh ta nói đùa : – Thánh Ăng Tôn có ăn thịt gà không ? Đến miếu thổ thần khi mở lồng bàn ra thì xôi còn nguyên, nhưng con gà thì biến mất. Kinh hoàng, anh ta trở lại tượng thánh Ăng Tôn khấn: xin thánh tha tội hỗn láo. Rồi trở lại miếu thổ thần, mở lồng bàn ra, con gà vẫn còn nguyên trên đĩa. Huyền thoại thứ nhì xẩy ra vào chiến dịch Thu-Đông 1951. Từ năm 1949 xã Thủy Nhai được phát 10 cây súng trường để giữ làng kháng chiến ; xã ủy, chủ tịch, chỉ huy dân quân đầu thú, bỏ đảng làm ăn lương thiện. Suốt thời gian 3 năm, xã hoàn toàn an ninh. Thu-Đông 1951, bộ tư lệnh Đệ tam quân khu ra lệnh cho bộ chỉ huy quân sự Nam Định phải nhổ cái chốt Thủy Nhai, mới có thể cho quân từ Thái Bình vượt sông Hồng đánh Trung Linh, Bùi Chu, Hành Thiện. Bộ chỉ huy quân sự Nam định dự xử dụng cả đại đội Xuân Trường, trên 100 quân tấn công tràn ngập ban đêm. Vào buổi chiều, Xã trưởng Thủy Nhai được tin cây cờ phía trước tượng thánh Ăng Tôn không gió mà bị đổ, ông cùng 2 dân vệ ra dựng lại cờ. Trên đường đi, ông chộp được viên bí thư xã Ngọc Cục. Đem y vể trụ sở xã, khiền cho anh ta một trận. Thế là kế hoạch đánh Thủy Nhai, lấy điểm xuất phát là tượng thánh Ăng Tôn bị lộ hết. Xã trưởng khẩn báo về secteur (Tiểu khu) Bùi Chu. Hơn trăm bộ đội tấn công vào Thủy Nhai vừa tập trung đã bị đại bác 105 ly của secteur Bùi Chu dập nhừ, bị 10 cây súng chống trả. Thất bại, rút lui. Tháng 7-1954, quân đội Pháp, quân đội Quốc Gia rút khỏi Nam định, Bùi chu, xã trưởng Thủy Nhai bị xử bắn, cùng 10 dân vệ, tượng thánh Ăng Tôn bị đập phá. Nhà văn hóa Quốc Nam tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam cuối năm 1967. Ngay năm sau (1968) Nhà Hương Việt đã xuất bản thi tập “Tình Ca Lính Alpha Đỏ” của ông. Tính cho tới năm 2019, ông có 25 tác phẩm đã xuất bản trước & sau năm 1975. 2. Gặp nhau, hãng thông tấn Tin Miền Nam. Tôi gặp Quốc Nam khi anh đã thành danh. Khi anh đã thành nhà văn, thành thi sĩ, đã xuất thân Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt; đã chiến đấu tại chiến trường miền Đông, và trở thành thương phế binh. Bấy giờ, sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 22 tháng 8 năm 1971, có khá nhiều cán bộ Cộng Sản, có khá nhiều nhóm thân Cộng đắc cử dân biểu. Tổng cục chiến tranh chính trị, Phủ Đặc Ủy Trung ương tình báo và bộ Thông Tin, ước tính rằng những dân biểu Quảng Lạc này sẽ lợi dụng vị thế bất khả xâm phạm để tuyên bố, tuyên con, dùng báo chí gây rối. Ba nơi này cùng tìm cách đối phó. Quả nhiên nhiều báo đối lập chính, đối lập cuội xuất hiện dánh phá hung hãn vô cùng. Trong khi Phủ dặc ủy trung ương tình báo chỉ có tờ Quật Cường, bị lộ diện báo nhà nước, nên không có độc giả. Tổng cục chiến tranh chính trị có tờ Tiền Tuyến dành cho quân đội càng rõ ràng là báo nhà nước, nên ảnh hưởng không là bao. Ký giả 2 tờ ấy nếu họ không là Công An thì cũng là Quân Nhân. Họ chỉ biết ca tụng chính phủ; khiến 2 tờ báo không có ảnh hưởng với dân chúng. Trong khi những tờ báo đối lập đánh phá chỉ trích nhà nước, hoặc đăng những thiên phóng sự giật gân quái đản như Con ma vú dài, Cô gái khỉ rừng U minh, Con ma nhà họ Hứa, Cậu chó v.v… Dân chúng tranh nhau đọc. Một số lớn báo khác không có tiền trả ký giả. Họ chỉ dùng tin tức của Việt Tấn Xã cũng như các hãng thông tấn ngoại quốc để có tin quốc tế, tin lớn. Còn những tin xã hội, tin địa phương thì không. Mà những tin này mới có nhiều độc giả. Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát nhanh chóng ẩn danh lập ra hãng thông tấn tư Tin Việt, cử một đại úy, là một ký giả điều hành, không ai biết anh ta là cảnh sát. Thành công. Các báo tưởng đây là cơ quan tư nhân, thi nhau dùng tin của Tin Việt. Nhưng uy tín ông đại úy cầm đầu Tin việt tại bộ tư lệnh Cảnh Sát thấp quá, thành ra không có nhiều tin tức xã hội, không có tin chiến sự, lại càng thiếu tin của quân đội Đồng Minh. Đó là cái lỗ hổng lớn. Một vị quyền lực tối cao (xin gọi là Đại xếp= ĐX) thấy cần trám cái lỗ hổng đó. ĐX muốn có một cơ sở báo chí trực thuộc riêng, dùng riêng cho mình , không phải qua bộ Thông Tin, không phải qua Tổng cục chiến tranh chính trị. ĐX tìm một người phải có bằng này điều kiện, chỉ làm việc với ĐX: – Đang là nhà văn, ký giả, – Giao thiệp rộng với văn nhân ký giả, – Có địa vị lớn để có thể vào Trung tâm hành quân Tổng tham mưu, Trung tâm hành quân Đồng minh lấy tin chiến sự. Bấy giờ tôi đang giữ một chức vụ kha khá, kiêm cầm lái tất cả báo Hoa văn tại Việt Nam. Hơn nữa tôi đang là ký giả của hai tờ báo Hoa văn Hương cảng, một tờ báo Hoa văn Đài loan. Là học trò yêu của thầy Trần Văn Hương, thầy tiến cử tôi vào vị trí đó. Đại Xếp triệu hồi tôi để thảo luận; sau hon 2 giờ trao đổi ý kiến, ĐX yêu cầu tôi phụ trách thêm cái mảng đó. Tôi đòi các điều kiện: – Tôi và cộng sự được hưởng quyền đặc miễn tài phán, – Hoàn toàn không bị lệ thuộc bất cứ phủ, bộ nào. – Được toàn quyền đánh phá các tệ đoan xã hội, tham nhũng. Tôi không cần ngân khoản, tôi dùng nhân viên có sẵn, không cần thêm nhân viên, không cần thêm cơ sở. Đại xếp mừng vô hạn. OK, ký cho tôi một chứng minh thư đặc biệt. Tôi ước tính: Lập một hãng thông tấn tư mới phải thêm người, tốn tiền, không kín đáo. Tôi tìm cách xâm nhập văn phòng đại diện các hãng thông tấn, các báo ngoại quốc. Bước đầu tôi cung cấp tin tức miễn phí cho họ. Các văn phòng này được tôi cung cấp tin đặc biệt, họ đón tiếp tôi niềm nở. Còn về phía Việt Nam, tôi chấm hãng thông tấn Tin Miền Nam (TMN). TMN không có cơ quan nào phía sau. Giám đốc là ký giả Văn Chi, phó giám đốc kiêm Chủ Biên là Quốc Nam. Năm 1970, lúc chưa đầy 26 tuổi nhà văn hóa Quốc-Nam đảm nhiệm chức vụ “Chủ Biên kiêm Phó Giám Đốc Hãng thông tấn Tin Miền Nam”. Văn Chi gốc Công giáo Bùi Chu – Phát Diệm, nổi tiếng là chống Cộng cực đoan. Còn Quốc Nam gốc là dân Thủy Nhai, xuất thân Trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt, phế binh, đương kim Chủ Tịch Khu Hội Phế Binh Quân Khu 3. Quốc Nam nổi tiếng là ký giả lửa, gai góc, là thi sĩ mùi. Khi Quốc Nam ra trường Đà lạt, một số bạn đồng khóa tìm liên hệ để được bổ nhiệm vào chỗ an ninh, thì trong mục lựa chọn đơn vị Quốc Nam tỏ ước vọng : “Bến Hải hay Cà Mau”. Đó là 2 chiến trường dễ được Tổ Quốc tri ơn lắm. Khí phách của Quốc Nam đã làm cho mọi người kính phục. Trong đó có tôi. Tiếp cận với Quốc Nam lần đầu, tôi hỏi : – Anh đánh phá bọn tham nhũng, bọn cường hào ác bá, anh không sợ chúng trả thù sao ? – Bọn tham nhũng, bọn cường hào ác bá không ác độc, không tàn bạo, không đông bằng đảng Cộng Sản. Đảng Cộng sản tôi còn không sợ, huống hồ bọn hèn mạt. Tôi với Quốc Nam thân với nhau từ đấy. Để tạo uy tín cho hãng TMN, lần đầu tiên tôi viết tin cho TMN là bản tin các phi cơ của hạm đội 7 oanh kích Bắc Việt. Thông thường phát ngôn viên của Bộ tư lệnh đồng minh tóm tắt những tin chiến sự vào buổi chiều mỗi ngày, rồi trưa hôm sau sẽ cung cấp cho báo chí. Phát ngôn viên chỉ nói bao nhiêu phi vụ thôi. Tôi viết bản tin vào buổi chiều, trao cho Quốc Nam. Quốc Nam sai in liền, gửi cho các báo. Trong bản tin tôi ghi rõ số phi vụ xuất phát từ đâu, oanh tạc vào mục tiêu nào, kết quả ra sao. Không ai tin rằng tôi lại có tin tức sớm, chính xác như vậy. Nhưng Quốc Nam tin, cho phổ biến. Chính Văn Chi cũng lưỡng lự. Vì là lần đầu phân nửa các báo không tin, cho là tin vịt, không đăng, không ngờ TMN có loại tin tức như vậy. Sau một ngày thì họ thấy TMN đã đi trước phát ngôn viên quân đội Đồng Minh 36 giờ, chi tiết hơn. Thế là TMN được các báo tin tưởng. Đến nỗi đại diện BBC bấy giờ là ông Barrow đã dùng tin của Hãng TMN, mà không dùng tin từ phát ngôn viên quân sự. Trong thời gian 1972-1975 Quốc Nam đã đánh không biết bao nhiêu hạng tham nhũng, xin kể ra một vài vụ: – Biện lý Phạm Ngọc Tòng, Tòa Biên Hòa về tội tham nhũng, lạm quyền. – Đại diện hãng ESSO tại Việt Nam, – Quế tướng công, – Dân biểu vàng cục. – Bốn tỉnh trưởng Bạc Liêu, Vĩnh Bình, An Xuyên, Kiến Phong ; và tỉnh trưởng Hậu Nghiã ở Miền Đông. Biện Lý Phạm Ngọc Tòng là cháu của ông Nguyễn Vạng Thọ, Đổng lý văn phòng Bộ Tư Pháp. Tòng tức quá, dùng luật rừng: Ra lệnh cho Cảnh Sát Biên Hòa bắt giam Quốc Nam rồi thả không lý do, để dằn mặt, làm mất mặt. Quốc Nam vừa bị bắt. Tin này được báo cho ĐX. ĐX gọi đại tá Lưu Yểm (tỉnh trưởng Biên Hòa) phải giải quyết ngay. Đích thân đại tá Lưu Yểm đến Bộ chỉ huy cảnh sát Biên Hòa đón Quốc Nam, đưa lời xin lỗi. Kể từ lúc bị bắt đến lúc được thả vỏn vẹn có 3 giờ. Uy tin Quốc Nam bỗng lên cao. Sau biến cố này, Quốc Nam khui vụ Biện Lý Phạm Ngọc Tòng quan hệ tình dục với một nữ sinh vị thành niên. Phương pháp của Quốc Nam là đặt cho mỗi mục tiêu một cái tên rồi cứ cái tên đó mà đánh, thì không sợ chúng kiện. Như đánh 4 tỉnh trưởng miền Tây, Quốc Nam lấy hai câu đối thờ Khổng Tử, biến đi đánh 4 tỉnh trưởng: Nguyên văn: Đức mãn thiên địa, đạo quán cổ kim, Quần thánh đại thành, vạn thế sư biểu. Nghĩa là : Đức đầy trời đất, đạo bao gồm cả xưa đến nay. Vị thánh thành công nhất trong các vị thánh Trở thành ông thầy của vạn thế. Được đổi thành: – Ác mãn thiên địa, Liêu vương Hoàng đại cẩu. Nghĩa là ác đầy trời đất vua Bạc liêu, con chó lớn họ Hoàng, để chỉ tỉnh trưởng Bạc Liêu là đại tá Hoàng Đức Ninh. Anh em đôi con dì với Tổng thống Thiệu. – Gian quán cổ kim, U minh vương Lê nhị cẩu Nghĩa là gian xảo nhất cổ kim, vua rừng U Minh là con chó thứ nhì họ Lê, để chỉ đại tá Lê Chí Cường (tỉnh trưởng An Xuyên), nơi có rừng U minh. – Quần cẩu đại thành Trà vương Chung tam cẩu Thành công nhất trong bọn chó; vua Trà Vinh là con chó thứ ba, để chỉ đại tá Chung Văn Bông, tỉnh trưởng Vĩnh Bình (tên cũ là Trà Vinh). – Thực phẩn vạn thế, Đồng tháp ma vương Trần tiểu cẩu. Tên ăn bẩn (phân) muôn đời là ma vương Đồng Tháp họ Trần, con chó nhỏ nhất. để chỉ đại tá Trần Thanh Nhiên, tỉnh trưởng Kiến Phong, vùng Đồng Tháp Mười. Rồi Quốc Nam tiếp tục sưu tầm những tệ đoan của 4 ông tỉnh trưởng đánh dài dài bốn con cẩu: Liêu vương Hoàng đại cẩu, U minh vương Lê nhị cẩu, Trà vương Chung tam cẩu, Đồng tháp ma vương Trần tiểu cẩu. Cuối cùng Tổng thống Thiệu phải thay cả 4 ông tỉnh trưởng. (3) 3. Chim xổ lồng Cái số Tử vi của Quốc Nam có thể tóm tắt một câu: “Sự nghiệp viên thành ư ngoại xứ”. Nghĩa là sự nghiệp thành công trọn vẹn ở ngoài quê hương. Lúc đầu tôi cứ tưởng ngoại xứ chỉ Quốc Nam rời Thủy Nhai vào Miền Nam. Không ngờ ngoại xứ chỉ Quốc Nam rời Việt Nam sang Hoa kỳ. Phải công nhận khi rời Việt Nam, Quốc Nam như con chim xổ lồng. Bởi ngay khi vừa tới Hương cảng, Quốc Nam đã cất cánh với tờ báo Tre xanh. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hãng thông tấn TMN cáo chung cùng với Việt Nam Cộng Hòa. Quốc Nam nhảy xuống con tầu Trường Xuân, vượt biển tới Hương Cảng (Hongkong). Văn Chi kẹt lại. Hơn 4 000 người được chính quyền Hương Cảng chia ra làm 3 trại tạm trú. Những người độc thân được trú ngụ tại trại Harcourt. Đây là doanh trại cũ của Thủy Quân, khá đầy đủ tiện nghi. Trại trưởng là một người Anh (Charles Gately). Ông biết nói tiếng Hoa âm Quan thoại, âm Quảng. Báo chí Hương Cảng biết có mấy nghìn người Việt đến trên một con tầu, nhưng không sao tiếp cận để phỏng vấn tường thuật. Biết thế, suốt đêm tôi ngồi viết một bài tường thuật chuyến hải hành kinh khủng gửi cho một tờ nhật báo, mà tôi cộng tác từ lâu. Tờ báo hãnh diện vì chỉ mình có đầy đủ chi tiết về Tây Cống thất thủ (Sài gòn thất thủ). Đúng là con cháu Khổng Tử, ngay khi nhận được bài, chiều hôm ấy; ông chủ nhiệm, ông chủ bút vào thăm tôi đưa ra lời an ủi, trao cho tôi 5000 đô la Hương Cảng (giá một con gà quay là 8 đô la Hongkong). Đúng ra tiền nhuận bút cho bài báo chỉ đáng giá 100 đô la Hương Cảng. Có tiền, tôi mua thực phẩm: gà quay, bánh bao, trái cây mời anh em ăn. Ông trưởng trại hỏi rằng tôi là người Việt thì nóí tiếng Quảng, chứ sao tôi lại nói tiếng Quan thoại âm Thượng Hải? Tôi trình bầy rằng bố tôi là người Việt làm công chức của Pháp tại Thượng Hải. Thời thơ ấu tôi học ở Thượng Hải, nên nói tiếng Quan thoại âm Thượng Hải. Ông khuyên tôi cố uốn lưỡi nói giọng Quảng, bằng không dân Hương Cảng gọi tôi là Trúng-Của (Trung Cộng) thì lôi thôi to. Ông trưởng trại muốn ra một tờ báo tiếng Việt để làm nhịp cầu giữa những trại viên Hương Cảng với các nơi khác. Ông hỏi trong trại Harcourt có bao nhiêu ký giả như tôi. Tôi trả lời: viết như tôi thì nhiều, nhưng có khả năng điều hành, ấn xuất chỉ có Quốc Nam. Ông mời Quốc Nam làm chủ bút tờ báo đó. Nhanh chóng Quốc Nam tập trung được hơn 10 anh em gồm họa sĩ, ký giả và mấy anh đánh máy, đặc biệt thêm một giáo viên tiểu học. Chúng tôi họp tại một phòng nhỏ, coi như toà soạn. Trong phòng, ngoài ban biên tập, còn có khoảng 15 ông Thiên lôi chầu rìa. Quốc Nam nói với mấy ông này: – Chúng tôi họp ban trị sự. Các anh không thuộc ban trị sự, thì không có quyền phát biểu. Tò mò tôi hỏi Quốc Nam: – Anh mời ông thầy giáo để làm gì vậy? Quốc Nam cười: – Mời ông làm cò. Vì ông thầy giáo sửa lỗi chính tả cho mình thì không sợ lỗi ti pô nữa. Rất thành thạo, Quốc Nam điều khiển buổi họp; nhịp nhàng; đặt tên tờ báo là Tre Xanh, quyết định nội dung, khuynh hướng, số trang. Có anh viết bài: Những người tình của TT Nguyễn Văn Thiệu. Nội dung gồm bà vợ chính Mỹ Tho, bà Cyrnos, ca sĩ Nỗi buồn hoa phượng, ca sĩ Căn nhà ngoại ô, và Người đẹp Đồng Tháp. Chúng tôi đang họp vui vẻ thì một anh chầu rìa nhảy choi choi lên phản đối: bài viết đó bôi nhọ Tổng Thống anh minh của đất nước. Quốc Nam nhỏ nhẹ: – Tôi là chủ bút, chịu trách nhiệm về nội dung tờ báo. Tôi giải thích cho anh như một độc giả: Anh nên biết khi đã thành Quốc Trưởng thì là người của quần chúng, không còn đời tư nữa. Vả anh đã đọc bài này đâu mà anh phản đối? Ông Thiên Lôi nói ngang: – Tôi không phản đối, mà tôi cấm anh không được đăng bài đó. – Anh lấy quyền gì mà cấm chúng tôi? – Tôi lấy quyền của hai quả đấm này! Nói rồi ông Thiên Lôi nắm hai tay thành quyền, vận bắp thịt hai cánh tay tỏ ý đe dọa. 4. Quít làm cam chịu. Gia đình tôi là gia đình võ thuật, mà phương châm có điều: “bảo vệ công đạo, tự vệ và bảo vệ người thân”. Trường hợp này tôi xuất chiêu bảo vệ Quốc Nam thì đúng võ đạo, đúng luật pháp. Tôi chưa kịp ra tay, thì trong phòng có Đức, một đệ tử của em ruột tôi là võ sư Trần Huy Quyền. Tôi đưa mắt ra hiệu cho Đức. Được lệnh sư bá, Đức vung tay trái chụp vai trái, tay phải bẻ cánh tay phải ông Thiên Lôi rồi nhắc bổng ông mang ra khỏi phòng. Với tài tổ chức, đốc thúc của Quốc Nam, 3 ngày sau, ngày 6 tháng 5 năm 1975 tờ báo ra đời, số 1; trình bầy trang nhã, nội dung phong phú. Quốc Nam sáng tác một bài thơ, đăng nơi trang 4. Nếu tôi không lầm thì Tre Xanh là tờ báo đầu tiên của người Việt tỵ nạn Cộng Sản ở hải ngoại. Sau đó ba ngày không thấy ông Thiên Lôi đâu, tôi hỏỉ Đức: – Hôm đó em mang y ra ngoài rồi sao? Có đánh y không? – Em đem y ra phía sau dẫy nhà ném y xuống đất. Y uốn cong người bật dậy, rồi lao tới tấn công em. Thì ra y cũng biết võ, dường như là võ Đường Lang (Thoòng loòng). Sau ba chiêu, y bị trúng chiêu Đoạt dương thủ mệnh, y đo ván liền. Em đe y: – Tao là đệ tử của ông Quốc Nam. Từ nay nếu mày còn hỗn với ổng, không cần ổng ra tay, tao đục mày nát thây. – Rồi sao? Hiện nó đi cà nhắc, nằm dài ra mà ngủ. Đoạt dương thủ mệnh là một đòn võ cổ của Việt Nam, đánh vào đốt xương sống L1 đến L3. Bên trong là thận. Nhẹ thì đau tọa cốt thần kinh, tương đương với Tây y là Sciatique, hai chân tê dại trong 30 ngày, không trị cũng khỏi. Dùng dầu nóng thoa bóp thì trong 5 ngày khỏi. Còn không biết mà dùng aspirine thì hai quả thận sẽ bị sưng to, chai liệt, rồi con chim teo lại như quả ớt, thành “thái giám”. Mục đích của Đức khi tự nhận là đệ tử của Quốc Nam chỉ có ý đe ông Thiên Lôi, bảo vệ Quốc Nam, không ngờ vô tình Đức gây ra một nghiệp quả cho Quốc Nam suốt 34 năm dài. Nếu Quốc Nam đọc được những giòng này, xin xí xái cho. Mình là bạn 40 năm rồi. Quốc Nam dự định họp anh em ra số 2, thì tòa Lãnh Sự Pháp ở Hương Cảng gọi tôi hồi hương về Pháp. Trước khi đi tôi dặn dò Quốc Nam: “Cái số Tử vi của anh là số cuả một cao nhân, có địa vị lớn trong văn chương, trong lãnh đạo, trong tổ chức về văn học, văn nghệ. Anh có 4 đại hạn (40 năm) cực tốt. Năm nay là năm thứ nhất. Khi tới Mỹ anh phải lăn xả vào làm việc. Trong 40 năm anh sẽ gặp những biến cố trong gia đình bất như ý sự. Khi nghịch cảnh tới, anh phải coi như không, phải nghĩ mình là cái xe tăng, biến cố là những viên đá nhỏ, cán lên mà đi. Chung cuộc sự nghiệp của anh khó ai bì kịp”. Tới Pháp, tôi buông hết báo chí, buông hết viết lách, không tham gia bất cứ tổ chức chính trị nào, lăn xả vào việc học, tái tạo sự nghiệp. Phải 7 năm sau mới ổn định cuộc sống. Rồi tôi lại dành hết thời gian thực hiện ước vọng cuả ông-cha: hoàn thành 9 bộ lịch sử tiểu thuyết đã viết dở dang. Thế nhưng trong suốt thời gian đó, tôi vẫn theo dõi hành trạng của Quốc Nam. Biết rằng Quốc Nam hoạt động quá nhiều phương diện, sẽ gặp phải những mũi dùi đánh phá của cá nhân không đồng ý, cũng như của quân thù. Tôi đã lập một hàng rào bảo vệ Quốc Nam bằng phương pháp phản tâm lý chiến như sau: xui người ta bịa đặt những điều hoang đường nói xấu Quốc Nam. Khi người ta đã có những cái xấu (bịa đặt) để bôi nhọ, để đánh phá, thì không cần bới móc thêm cái xấu nữa. Mà những cái xấu hoang đường đó không ai tin. Tôi đã thành công. Trong dịp Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ VN Toàn Cầu kỳ 3 năm 2013 tại Thung Lũng Hoa Vàng (Bắc California), trên sân khấu San Jose Unify Events Center, nhà văn hóa Quốc-Nam đã trao Giải Tượng Vàng Hòa Bình tới nữ tác giả/nhà từ thiện Jakie Bông, mở đầu cuộc vận động gây quỹ cho “Vietnam’s International Golden Statue Awards” như một Giải thưởng Quốc Tế kiểu Nobel dành cho Dân Tộc Viêt Nam. Photo by TRIPHOTO. 4. Tiên nữ Đồng Tháp. Vào năm 1983, tôi có chút danh trong lãnh vực Sexology (Vu sơn học). Một thiếu phụ Việt Nam điện thoại xin gặp tôi nhờ vả gì đó. Tôi cho cái hẹn vào buổi chiều vắng khách. Tôi tiếp nàng với sự hiện diện của bà vợ. Đúng giờ nàng tới. Nàng đẹp thùy mị, đẹp mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm, tuổi trên dưới 30. Da trắng, môi hồng, ngực nở, tiếng nói thanh tao, chân dài. Nàng mặc áo dài trắng, quần satin trắng như một nữ sinh trong nước trước 1975. Bà vợ tôi là đầm lai, là người mẫu, nhan sắc hiếm có, thế mà thấy nàng bà cũng phải nghiêng mình chiụ thua. Nàng tự giới thiệu tên là HT, 29 tuổi, mới từ Việt Nam sang đoàn tụ với chồng. Chồng có cửa hàng sửa và bán TV, Radio, video nhỏ, kiêm võ sư. Tôi hỏi mục đích cuộc hẹn là gì? Nàng thố lộ: – Thưa Bác sĩ, em đến gặp Bác sĩ để xin giải quyết tình trạng tâm lý. – Vâng! Câu truyện của bà như thế nào? “HT là con một thương gia ở quận Cao Lãnh đại lý máy TV, radio, máy lạnh. Mười bẩy tuổi nổi tiếng hoa khôi tỉnh lỵ. Một thầy Tử vi đã đoán số của nàng: Cô này mệnh có Long trì, Phượng các sẽ gặp quý nhân chí tôn kết hôn. Tử vi kinh nói: Long trì, Phượng các, Thủ đắc quý nhân chí tôn phối ngự Thêm Toạ quý, hướng quý Nếu vào thời xưa thì không là hoàng hậu, cũng là quý phi. Ngày nay có thể là vợ Tổng thống, phó Tổng thống. Bố mẹ, cũng như nàng bị ảnh hưởng bởi lời đoán này. Hy vọng, và hy vọng. Trong dịp Bộ tư lệnh Biệt khu 44, tổ chức mừng chiến thắng. Tổng Thống Thiệu xuống cắt băng cuộc triển lãm vũ khí thu được trên chiến trường. HT được cử bưng khay đựng kéo. Sau khi cắt băng, Tổng Thống nhìn HT từ đầu đến chân, rồi vẫy nàng đi theo, xem các gian hàng trưng bầy chiến lợi phẩm. Cứ mỗi gian hàng TT lại giảng cho HT về loại vũ khí đang trưng bầy. Trưa hôm đó phu nhân đại tá tỉnh trưởng gặp mẹ HT ngỏ ý mời nàng dự tiệc đãi Tổng Thống. Dĩ nhiên mẹ nàng vui lòng. Trong bữa tiệc HT được xếp ngồi cạnh Tổng Thống. Tổng Thống hỏi thăm cha mẹ nàng, nàng học ở đâu? Cuối tiệc Tổng Thống trao cho HT tấm carte trên viết mấy giòng, dặn rằng: “Nếu sau nay gia đình gặp khó khăn gì, cứ đến dinh Độc Lập tìm Tổng Thống”. (4) Sau bữa tiệc hôm ấy trở về, bị ảnh hưởng bởi lá số Tử vi, đêm đêm HT cứ mơ tưởng đến cuộc gặp gỡ với Tổng Thống. Đêm nằm HT ôm ảnh của TT mà ngủ. Nàng yêu TT thiết tha, trong tuyệt vọng. Sáu tháng sau HT lấy chồng. Chồng là con một gia đình tổng đại lý TV, máy lạnh ở Sài gòn. Có chồng nhưng HT vẫn không quên cái ngày hôm ấy. Vẫn yêu thầm TT. Năm sau chồng HT phải trình diện nhập ngũ, theo học khoá hạ sĩ quan tại Nha Trang. Gia đình nhà chồng không tiếc tiền, chạy khắp nơi mong sao khi chồng HT mãn khoá được về Sài gòn. Nhưng không thành công. Chợt nhớ đến tấm carte của Tổng Thống, HT đánh bạo viết thư cho ông, xin gặp để nhờ vả. Trong thư nàng ghi cả số điện thoại của gia đình. Ba ngày sau Tổng Thống điện thoại cho nàng. Cuộc điện đàm kéo dài đến một giờ. HT can đảm thổ lộ tình cảm chứa chất suốt gần năm qua: Nàng yêu TT đến mờ con mắt. Cuối cùng Tổng Thống hẹn buổi chiều sẽ sai một phụ nữ đón vào dinh. Tổng Thống yêu cầu HT mặc bộ quần áo trắng hôm cắt băng. HT được đưa vào một phòng trong dinh Độc Lập. Khi HT vào phòng thì thấy Tổng Thống ở trong. Cửa đóng. TT ôm lấy HT, bế bổng nàng lên. HT buông lỏng, mặc TT làm gì thì làm. HT mơ mơ tỉnh tỉnh như tê liệt trong hơn giờ. HT quên cả mục đích buổi gặp gỡ để xin xỏ cho chồng. TT cũng quên hỏi nàng. Hai người nói truyện yêu thương trong hơn giờ nữa rồi mới tạm biệt. Trở về sau cuộc tình ngọt ngào, HT cứ mơ mơ màng màng, suốt ba ngày. Ngày nào TT cũng gọi cho nàng. Rồi cuộc hẹn thứ nhì, nhưng không ở trong dinh. Cho đến cuộc gặp thứ 10 HT mới bớt mơ màng, tỉnh táo hơn, xin TT giúp chồng. TT hứa sẽ can thiệp để sau khi chồng HT mãn khóa sẽ được gửi ra Vũng Tầu học Truyền tin, rồi được về làm việc tại Cục Truyền Tin” Để cho người đẹp nói gần nửa giờ, tôi mới ngắt lời: – Như bà nói, khi lấy chồng, bà ở chung với cha mẹ chồng. Trong khi chồng bà ở quân trường, những cuộc hẹn hò của bà với TT như vậy gia đình nhà chồng không biết sao? Bố mẹ chồng không tỏ vẻ bực mình ư? Bà không thụ thai ư? – Không hiểu sao, bấy giờ em 18 tuổi, còn TT 48 tuổi, mà không thụ thai. Em cũng muốn có đứa con với TT để kỷ niệm mối tình đẹp tuyệt vời mà không thành công. Còn mẹ chồng em ư? Bà biết! Biết ngay từ buổi hẹn đầu. Sau buổi hẹn đầu tiên trở về, em thuật hết cho bà nghe. – Phản ứng của bà ra sao? – Bà không hề tỏ ra khó chịu, trái lại bà khuyên em nên tiếp tục. Như vậy cơ sở buôn bán của gia đình có chỗ dựa lớn. Không sợ chồng phải ra trận, chết uổng! Thế là đúng số Tử vi, thủ đắc quý nhân chí tôn phối ngự. – Trong những cuộc gặp gỡ đó bà xưng hô với TT thế nào? – Lần đầu em gọi TT là TT. TT gọi em là em. Từ lần thứ nhì em gọi TT là anh. TT gọi em là Tiên nữ Đồng Tháp. – Còn chồng bà? Anh ấy có biết không? – Lúc chồng em học truyền tin xong, về Sài gòn làm việc, em kể cho anh ấy nghe. Ảnh tỏ ra hãnh diện khi vợ là người yêu của TT. Nhờ em ngoại giao với TT mà các cơ sở TV, máy lạnh trên toàn quốc của nhà chồng không hề gặp rắc rối. Ngoại tệ dư giả để nhập cảng TV, máy lạnh. (5) – Khi Cộng sản vào Sài gòn, gia đình nhà chồng bà có bị làm khó dễ gì không? – Không! Nhờ em ngoại giao với một ông lớn, lớn lắm, nên 3 cửa hàng ở Sài-gòn, 9 cửa hàng ở 9 tỉnh trong chiến dịch đánh tư sản mại bản không bị tịch thu, không bị gì hết. Cũng nhờ ông này, mà em được sang Pháp dễ dàng. Trong khi cơ sở buôn bán ở VN vẫn hoạt động! (6) – Chà ! Ông này phải lớn lắm. Thế bà cũng ngoại giao với ông như đã ngoại giao với TT??? – Thì đàn ông dù Cộng Sản, dù Quốc Gia cũng có con tim, cũng thích sắc đẹp. Nghệ thuật phòng the của ông này thua xa TT. Xa lắm lắm. Nhưng em không cần cái nghệ thuật đó, mà cần uy quyền của ổng. Là thầy thuốc về khoa sexology, tôi khai thác chi tiết: – Trong ba người đàn ông: chồng, TT và ông kẹ, thì ông nào cho bà cảm giác rung động mạnh hơn? Tình cảm của bà với ba người có giống nhau không? – Em yêu TT rồi mới lấy chồng. Nên bao nhiêu tình yêu em dành cho TT hêt. Em lấy chồng chỉ để có chồng như bao nhiêu người con gái khác. Em chưa từng yêu chồng. Tuy rằng cái trinh tiết em cho chồng. Đối với TT em vừa yêu vừa kính. Trong lúc bên TT, TT cho em hưởng tất cả những gì mà người đàn ông có thể làm để tạo khoái cảm cho người yêu. Còn ông kẹ ư? Em không hề yêu ông mà sợ ông, bất đắc dĩ em phải cho ông dầy vò thân xác để đổi lấy an ninh cho gia đình. Mỗi khi gần TT, em rung động đến mê đi, em cắn TT ở ngực sau thành vết thẹo. Mãn cuộc em cảm thấy ngọt ngào đến mấy ngày. – Xin bà tiếp! – Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chồng em nhảy đại xuống con tầu vượt biển sang Hương Cảng. Ở trong trại tỵ nạn, anh ấy gây gổ đấu võ với người ta, bị người ta đánh vào lưng, mà liệt dương! Anh ấy đã lấy hẹn với Bác sĩ thứ 6 này vào lúc 18 giờ! Tôi bật lên tiếng ái chà kinh ngạc. Vì có thể chồng bà này là ông Thiên Lôi tại trại Harcourt. Chính vì vậy mà ông Thiên Lôi sợ bài báo đem truyện tình của vợ với TT công bố cho thiên hạ biết, mà gây gỗ với Quốc Nam – Thưa bà, tôi sẽ hết sức trị bệnh cho ông nhà. Nhưng ông nhà đấu võ với ai? Họ thuộc môn phái nào? – Chồng em là đệ tử của Đường Lang. Còn địch thủ không biết thuộc môn phái nào. Nó tên Đức, đệ tử của Nguyễn Quốc Nam. Chính tên Quốc Nam sai tên Đức đánh anh ấy. Hiện Quốc Nam ở Hoa Kỳ. Mục đích của em xin gặp Bác sĩ hôm nay, không phải để cầu trị bệnh cho chồng, mà xin trong khi trị bệnh, Bác sĩ dùng Tử vi khuyên anh ấy đừng trả thù nữa! (Xin lỗi Quốc Nam nhé, quít Đại Sỹ làm, cam Quốc Nam chịu) – Ý bà muốn nói? – Chồng em định sau khi nhờ Bác sĩ trị bệnh, dù khỏi, dù không cũng sang Hoa Kỳ tìm Quốc Nam trả thù! Anh ấy tin Tử vi lắm. Anh ấy nghe danh Bác sĩ giỏi Tử vi, nên mượn cớ trị bệnh rồi xin coi Tử vi xem cuộc trả thù có thành công không. – Bà yên tâm, việc này tôi làm được. Tôi biết phải nói như thế nào. – Em sang đây đã 6 tháng. Dù truyện với TT đã 10 năm, nhưng ông chồng vẫn còn nhớ, hay nhắc đến làm em khổ tâm vô cùng. Có lần anh ấy đánh em. Nhờ Bác sĩ đỡ cho ít câu. – Được! Việc này không khó. Hai ngày sau, đúng hẹn, ông Thiên Lôi với HT đến. Nếu không được HT nói trước, tôi không nhận ra ông: nay ông to béo kềnh càng. Ông cũng không nhận ra tôi. Ông tường thuật chi tiết cuộc đấu võ với Đức, trình ra những xét nghiệm máu, nước tiểu của Bác sĩ gia đình, rồi kết luận: – Tôi bị đau tọa cốt thần kinh 3 tháng mới khỏi. Nhưng từ đấy dù tôi ham muốn truyện ấy vô cùng, nhưng dương không cử nữa. – Chứng bệnh của ông gọi là dương bất cử, cử bất kiên hay cúi đầu e thẹn. Tiếng Pháp gọi là Dysfonction Erectile Sau khi chẩn bệnh, tôi nói với ông: – Đối thủ của ông dùng hai ngón tay chỏ và giữa bấu vào huyệt Thận du trái, ngón tay cái bấu vào huyệt Thận du phải, gây bế tắc chân khí mà thôi.. Chứ cơ thể ông khỏe mạnh lắm, chân khi sung mãn. Giá bấy giờ ông dùng tẩm quất nắn bóp thì sau 7 ngày sẽ khỏi. Nhưng ông dùng Aspirine trị, nên thận đã tổn thương, Aspirine gây xuất huyết mới ra nông nỗi. Ông Thiên Lôi đồng ý với y lý của tôi. Tôi tiếp: – Tôi xem kết quả xét nghiệm Bác sĩ gia đình làm cho ông: hormone, creatinine, bình thường. Tôi sẽ dùng châm cứu giải tỏa bế tắc thận cho ông, rồi tôi cho ông toa Phục dương đại bổ tửu. Chỉ cần uống 2 thang là cuộc sống phòng the sẽ phục hồi như xưa. Sau khi châm cứu cho ông Thiên lôi, ông trả tiền, nhưng chưa muốn rời phòng mạch. Bà vợ lên tiếng: – Em nghe Bác sĩ giỏi về Tử vi vô cùng. Mong Bác sĩ coi cho vợ chồng em, xem tương lai ra sao? Nói rồi bà trao cho tôi 2 lá số. Trịnh trọng đặt 2 lá số trên bàn tôi hỏi: _ Hôm nay tôi không có nhiều thời giờ. Tôi chỉ có thể xem một lá thôi. Vậy ông-hay bà muốn xem trước? HT trả lời: – Xin Bác sĩ coi cho nhà em trước. Tôi cầm lá số ông Thiên Lôi: – Chà! Lá số của ông là một trong những lá số rất khó giải đoán. Mệnh lập tại Ngọ, Tham lang, Đào hoa thủ mệnh, gặp Thiên không, đúng cách: Tý, Ngọ Tham, Đào, Ất kỷ âm nam, Lập nghiệp do thê, Kiêm năng sát diệu, Hành sự dụng thê. Nghĩa là: – Mệnh lập tại Tý, hay Ngọ có Tham lang, Đào hoa thủ thì lập nghiệp do vợ. Nếu có sát diệu thì hành sự dùng vợ. Cung thê có Thiên phủ, Liêm trinh trấn, thì vợ chồng lấy nhau do Thân thượng thành thân. Nghĩa là hai gia đình thân thiết ân nghĩa với nhau rồi thành vợ chồng… – Phục thầy. – Liêm, Phủ, kiêm Tả, Hữu thì phu nhân thuộc loại: Mát mặt anh hùng khi tắt gió, Che đầu quân từ lúc sa mưa. (Hồ Xuân Hương) Nghiã là: phu nhân là cái dù che nắng, che mưa cho gia đình chồng, cho chồng. Bà là ngôi sao thủ mệnh của ông. Bà đã hy sinh thân mình, hy sinh danh dự che chở cho ông. Tôi giải đoán thực : – Kể từ năm nay, ông xa bà thì tai họa sẽ giáng xuống đầu, chết bất đắc kỳ tử. – Tôi quyết không xa vợ! Tôi giáng thêm một câu: – Ông sướng thực. Vợ đẹp như tiên, lại là người che chở cho mình, cho gia đình mình. Ông có câu hỏi gì không? Ông Thiên Lôi đáp ngay: – Tôi định sang Hoa kỳ tìm Quốc Nam đánh cho nó tàn tật. Bác sĩ coi xem có thành công không? – Ông định trả thù như thế nào? Thiếu gì cách mà phải dùng đến võ công ? – Tôi đã trả thù bằng cách làm tổn hại danh dự nó. Nhưng chưa nư giận !! – Nghĩa là ??? – Suốt tám năm qua tôi viết tin tức Paris cho một số báo ở Úc, Hoa Kỳ. Đói tin, họ đăng. Rồi tìm dịp bôi nhọ nó. Các báo họ không biết, họ cũng tin, cũng đăng. Tôi đã thành công. Những điều tôi bịa đặt ra, nhiều người tin là thật. – Ai dạy ông cách trả thù như vậy ? – Tôi học theo Cộng Sản : Nói lui, nóí tới, nóí hoài, nói mãi, rồi người ta cũng tin. – Thế Quốc Nam có trả lời không? – Không! Không bao giờ nó lên tiếng. – Ông có bài nào bôi nhọ Quốc Nam, cho tôi xem với nào? Nhanh chóng ông Thiên Lôi móc trong cặp ra một hồ sơ dầy cộm, trong có hơn 200 bản tin, ông đã gửi cho các báo, các đài phát thanh, các đoàn thể, các chùa, các nhà thờ. Nội dung bịa đặt đủ điều bôi nhọ Quốc Nam. Đọc những bài báo của ông Thiên Lôi, tôi có cảm tưởng người trong cuộc là kẻ khác, chứ không phải Quốc Nam. Tôi nghĩ : « Cản ông này không trả thù Quốc Nam thì e khó hơn bắc thang lên trời. Muốn hóa giải những gì ông bịa đặt về Quốc Nam chỉ có cách mình xui ông bịa đặt ra nhiều chi tiết hoang đường, để ai đọc cũng thấy đây là những điều bịa đặt. Đó là phương pháp phản tâm lý chiến ». Tôi cười : – Ông đã sáng tác ra nhiều điều về Quốc Nam thì phải bịa ra những điều giật gân. Tỷ như Quốc Nam nói láo, y không hề học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Y nguyên là du kích VC hồi chánh. Học lực chỉ đến lớp ba trường làng. Y là trung sĩ Địa phương quân. Gặp mùa nước cạn ra ngoài đồng mò cua, bị mìn nổ mà thành phế binh. Thôi được, ông trả thù thế cũng đủ rồi. Ông còn định trả thù gì nữa? – Suốt tám năm qua tôi dạy võ, luyện công để tìm dịp khi nó xuất hiện tại đâu thì lao tới thách đấu, đánh cho nó tàn tật trước công chúng mới thỏa cái căm hờn gần 10 năm qua? Tôi rùng mình: Quốc Nam có học võ sơ sơ, mà bị đánh thì e toi mạng. Tôi chỉ vào lá số dọa ông Thiên Lôi: – Ông có 3 đại hạn, tức 30 năm xấu vô cùng tận. Bây giờ mới là năm thứ 2, còn 28 năm nữa. Đại hạn hiện thời Tham, Hình. Tham chủ hình ngục. Đã vậy còn thêm Hình nữa, thì dù gặp bất như ý sự gì cũng phải nín nhịn, bằng không hình, ngục khó tránh. Nếu ông sang Hoa Kỳ tìm Quốc Nam trả thù theo kiểu ồn ào như vậy, khi ông chưa ra tay đã bị Cảnh Sát bắt, rồi đi tù. Quốc Nam sẽ đứng nhìn Cảnh Sát còng tay ông ra trước tòa, cười khoan khoái. Ấy là không kể hồi ở Hương Cảng ông đấu với học trò Quốc Nam còn bị thua. Bây giờ ông không phải là đối thủ của y đâu. Tóm lại trong vòng 28 năm, tuyệt đối tránh gây gỗ, đánh nhau với người ta ; bằng không thì bị tù, bị đánh đến tàn tật, có thể chết… HT xen vào : – Vậy thì chỉ có cách tiếp tục bịa truyện bôi nhọ nó cho nư giận mà thôi Hơn tháng sau ông Thiên Lôi khỏi bệnh. Ông đã tìm lại được cái lạc thú cuộc đời đàn ông. Xét nghiệm, tinh trùng cuả ông bị loãng, kiêm suy nhược (oligo-asthénospermies). Thế nhưng HT vẫn thụ thai. Bà vẫn đi về Việt Nam, điều khiển các cơ sở buôn bán trong nước, vẫn ngoại giao với những ông lớn mà ông Thiên Lôi không nói gì. Ngay cả khi các ông kẹ trong nước có dịp qua Paris, ông tổ chức thù phụng cơm nước, đưa đón, cung phụng đủ thứ. Trong 3 năm bà HT sinh 2 con trai. Hai đứa trẻ không giống ông một nét nào. Tôi không tin chúng là con ông. Bởi trong khi điều trị cho ông, tôi cho xét nghiệm ông thuộc loại tinh loãng, kiêm suy nhược. Ông bỏ ý định sang Hoa Kỳ đánh Quốc Nam. Nhưng ông vẫn tiếp tục theo dõi, viết tin cho các báo, thỉnh thoảng có cớ, có dịp ông lại « đá » Quốc Nam một cái. Sau khi báo đăng, ông lại khoe với tôi về chiến tích mới: Quốc Nam là du kích hồi chánh, là trung sĩ địa phương quân, là Việt Cộng làm việc cho Tổng cục 2 CSVN, thơ của Quốc Nam do Việt Cộng từ trong nước gửi ra. Những bản tin này có rất nhiều báo ở Úc, Hoa Kỳ tin, đăng lại. Năm 2001, nhờ tài ngoại giao của bà vợ đẹp, ông bỏ Pháp về Sàigon tổ chức hệ thống buôn TV, tủ lạnh, máy lạnh với 25 chi nhánh khắp nước. Ông trở thành một đại gia. Nhưng từ trong nước ông vẫn quan hệ với báo chí, vẫn bôi nhọ Quốc Nam. Ông dùng vợ ngoại giao với các ông kẹ trong nước.(7) Rồi Ông bị cướp đột nhập vào nhà đâm chết. Án mạng khó hiểu xẩy giữa một đêm mà vợ ông không có nhà, trọn đêm bà đang « ngoại giao » với một ông lớn, lớn lắm từ Hà Nội vào Sài gòn. Chồng chết bà đem tất cả gia tài của ông, sống với ông lớn đó. Bà điện thoại cho tôi tỏ vẻ ân hận vì bà không nghe lời tôi, xa chồng mà ra nông nỗi. Quốc Nam thoát ách !!! Paris tháng 5 năm 2012. Yên tử cư sĩ Trần Đại Sỹ. (Trích hồi ký: 35 năm làm thầy thuốc ở châu Âu) sẽ xuất bản. Tiểu Sử.- Tác giä bài viết nêu trên là Bác-sĩ Trần Đại-Sỹ bút hiệu Yên-Tử Cư-Sĩ (YTCS). Ông hiện là Giám-đốc Trung-Quốc Sự Vụ tại viện Pháp-Á (Institut Franco-Asiatique viết tắt là IFA) và Giáo-sư trường y khoa Arma (Paris). Sau đây là Tiểu Sử của YTCS/TĐS viết bởi Nữ bác sĩ Gynecology Trần-thị Phương-Châu (Giám-đốc Nam-Á Sự Vụ, viện Pháp- Á): BS Trần Đại-Sỹ sinh trong một gia đình nho học. Ông Ngoại là một đại khoa bảng của triều Nguyễn. Vì không có con trai, nên cụ theo tục lệ cổ Việt-Nam, nuôi cháu làm con. Cụ nuôi Trần Đại-Sỹ từ nhỏ. Thân phụ là một thẩm phán, học tại Pháp, nhưng rất uyên thâm nho học. YTCS là con thứ ba trong gia đình sáu trai, một gái. Trên ông còn một người chị và một người anh. Hai người em nổi tiếng trong gia đình ông là Võ-sư Trần Huy Phong (cố Chưởng-môn Việt-Võ Đạo), và nhà văn, kiêm Võ-sư Trần Huy-Quyền. YTCS được khai tâm học chữ Nho vào năm 5 tuổi, năm 6 tuổi gửi vào trường Pháp trong tỉnh học. Được quy y Tam-bảo học võ với ngài Nam-hải Diệu-Quang năm 7 tuổi. Bản-sư, ông ngoại cũng như phụ thân YTCS đều là những người rất uyên thâm về các khoa học huyền bí Đông-phương như: Tử-vi, Bói dịch, Nhâm-độn, Phong-thủy, Tử-bình… Ba vị nhìn thấy rất rõ thiên mệnh đã dành cho đệ tử, con-cháu mình những gì, nên cả ba đã chuẩn bị sẵn một con đường cho cả đời YTCS. Hãy nghe YTCS tâm sự : « Bấy giờ là thời gian 1950-1954, Nho-học gần như đi vào giai đoạn chót của thời kỳ suy tàn, những vị khoa bảng cổ lác đác như sao mai. Chữ quốc ngữ được quần chúng hóa. Các tiểu thuyết chưởng hồi của Trung-quốc được dịch sang tiếng Việt. Người Việt thi nhau đọc. Mà các tiểu thuyết của Trung-quốc, viết trong chủ đạo của họ: Vua luôn là con trời sai xuống. Các quan thì luôn là những vì sao trên trời đầu thai, các nước xung quanh Trung-quốc thì Đông là Di, Bắc là Địch, Tây là Nhung, Nam là Man. Bị ảnh hưởng của những tiểu thuyết đó, người Việt đọc rồi tin là thực, thậm chí lập tôn giáo thờ kính những nhân vật đó, tự ty mình là Nam-man! Vì vậy sư phụ, cũng như ông-cha tôi muốn mình phải có mấy bộ tiểu thuyết thuật những huân nghiệp của tổ tiên ta trong năm nghìn năm lịch sử, để người Việt mình hiểu rõ hơn. Các người biết số Tử-vi của tôi có thể thực hiện nguyện ước của các người, vì vậy các người cố công dạy tôi ». Vì vậy YTCS phải chịu một chương trình giáo dục gia đình rất nặng nề. Ta hãy nghe ông tâm sự tiếp: « Năm tuổi bắt đầu học Ấu-học ngũ ngôn thi. Sáu tuổi học Bắc-sử, Nam-sử. Bẩy tuổi học Tứ-thư, Ngũ-kinh. Tám tuổi đã học làm câu đối, văn sách, văn tế, chế, chiếu, biểu. Dù phải học nhiều, song nhờ được luyện Thiền-tuệ nên vẫn thư thái dễ dàng. Chín tuổi phải học thuật tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Mười tuổi học 24 bộ chính sử Trung-quốc, Đại-Việt sử ký toàn thư, Việt-sử lược, Khâm-định Việt-sử thông giám cương mục, Đai-Nam chính biên liệt truyện, và hằng trăm thứ sách khác. Thành ra cả thời thơ ấu, tôi sống với sách vở, với Thiền, chưa từng biết chơi bi, đánh đáo. Bất cứ ai cũng đặt câu hỏi: Làm thế nào tiền nhân tôi lại có thể nhét vào đầu tôi những thứ khô khan như vậy? Sau này lớn lên vào đại học Y-khoa tôi mới biết là nhờ Thiền-tuệ ». Năm 15 tuổi, YTCS đỗ Trung-học, rồi ông ngoại qua đời, một người trong gia đình gây ra thảm cảnh không thể tưởng tượng nổi, khiến YTCS phải rời tổ ấm. Song cơ may đưa đến, ông được nhập học một trường có truyền thống giáo dục cực kỳ chu đáo. Tuy gặp thảm họa, nhưng những gì bản sư, ông-cha đã hoạch định cho cuộc đời, YTCS vẫn cương quyết theo đuổi. Sống xa gia đình, YTCS phẫn uất dồn hết tâm tư vào việc học. Mười bẩy tuổi ông đỗ tú tài 1, mười tám tuổi đỗ tú tài toàn phần. Vào đại học. Năm 25 tuổi ra trường (1964.) Đã có chỗ đứng vững chắc về danh vọng, về tài chánh. Bấy giờ ông mới trở về với gia đình trong vinh quang. Mà… cái người gây ra đau khổ cho YTCS, than ôi, y trở thành một tên lêu bêu, vô học bất thuật, và cho đến bây giờ (2000), y đã đi vào tuổi 66, vẫn là một tên ma-cô, ma cạo. Năm 1968 ông bắt đầu viết những bộ tiểu thuyết lịch sử. Năm 1977, ông làm việc cho Ủy-ban trao đổi y học Pháp-Hoa (Commité Médical Franco-Chinois viết tắt là CMFC) với chức vụ khiêm tốn là thông dịch viên. Nhờ vào vị thế này, ông học thêm, đỗ Tiến-sĩ y khoa Trung-quốc, rồi lại tốt nghiệp Trung-y học viện Bắc-kinh. Dần dần ông trở thành giảng viên, rồi tổng thư ký, và cuối cùng là trưởng đoàn từ 1995 cho đến ngày nay. Đã xuất bản.- – Do Nam-á Paris xuất bản, tái bản nhiều lần: Anh hùng Lĩnh-Nam, 4 tập, 1318 trang Động-đình hồ ngoại sử, 3 tập, 880 trang Cẩm-khê di hận, 4 tập, 1305 trang – Do Thư viện Việt-Nam và Xuân-Thu Hoa-Kỳ ấn-hành. Viện Pháp-Á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản 2001: Anh hùng Tiêu-sơn, 3 tập, 1120 trang Thuận-Thiên di sử, 3 tập, 1080 trang Anh-hùng Bắc-cương, 4 tập, 1556 trang Anh-linh thần-võ tộc Việt,4 tập,1708 trang – Do Đại-Nam Hoa-kỳ ấn hành. Viện Pháp-Á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản 2001 Cốt tủy Tử-vi tuổi Tý, 1 tập, 362 trang Nam-quốc sơn-hà, 5 tập, 2230 trang Anh hùng Đông-A : Dựng cờ bình Mông, 5 tập 2566 trang Dịch Cân Kinh (Dịch, chú giải), 1 tập, 330 trang. – Do Viện Pháp-á Paris (Institut Franco-Asiatique) tái bản 2001 Thuvienvietnam.com, California, USA ấn hành: Giảng huấn tình dục bằng y học Trung-quốc (Sexologie Médicale chinoise) 3 tập khổ A4, 900 trang Sẽ xuất bản: Anh-hùng Đông-A, Gươm thiêng Hàm-Tử Giảng huấn Tình Dục Nữ Bằng Y Học Trung Quốc, (Medical sexology for Women) (Sexologie Médicale pour les femmes) Sự nghiệp y học của YTCS/TĐS Nếu so sánh với sự nghiêp văn học, thì sự nghiệp y học của YTCS rất khiêm tốn. Tốt nghiệp: – Đại-học Y-khoa Cochin Port Royal Paris (Pháp) vơí luận án Contribution à la bio-bibliographie de quelques Stomatologistes et dentistes francais. – Đại-học Y-khoa Thượng-Hải, với luận án Trung-y dương ủy biện chứng luận trị (Điều-trị chứng bất lực sinh lý bằng y học Trung-quốc). – Trung-y học viện Bắc-kinh, với luận án Cổ Trung-dược độc tố . Sự nghiệp y học của ông có 3 khám phá: Một là tìm lại được cây Phản-phì, hai là tìm ra phương pháp Điện-phân mỡ, ba là đào tạo được 1422 đệ tử. Tìm lại được cây phản phì. Năm 1982, YTCS cùng phái đoàn CMFC, đã tìm lại được cây Phản-phì, tưởng đã tuyệt chủng. Loại cây này thuộc họ trà, rút bỏ một vài độc chất, chế thành thuốc uống vào có khả năng giảm béo, hạ thấp Cholestérol, Triglycéride trong máu, mà không bị phó tác dụng như các loại thuốc hóa học. Sau đó cây này được gây giống, trồng, chế thành thuốc. Năm 1984 bắt đầu bán trên thị trường châu Âu. Trong chuyến đi này, phái đoàn được tăng cường một nữ tài tử điện ảnh Hương-Cảng, và một nữ bác sĩ thuộc Côn-Minh làm hướng dẫn viên. Để làm vui lòng hai người đẹp đi trong phái đoàn, thay vì đặt cho sản phẩm này mang tên mình, YTCS đã đặt tên là Hao Ling (Đọc theo Hán-Việt là Hảo Liên). Hảo là nữ bác sĩ Chu Vĩnh Hảo người Vân-Nam. Liên là tên nữ tài tử điện ảnh Hương-Cảng, đi theo phái đoàn. Tìm ra phương pháp điện phân mỡ. Khởi đầu từ năm 1978, trong một dịp vô tình, YTCS cùng một số học trò, đã tìm ra phương pháp điện phân mỡ, mà tiếng Pháp gọi la Lypo-électrolyse. Sau đó mười năm, một trong các học trò của ông là Bác-sĩ Nguyễn Thị Dung (Hay Đặng Vũ Dung), đem ra phổ biến trên báo, nên người ta tưởng bà là tác giả. Hiện nay trên thế giới có khoảng 60.000 bác sĩ xử dụng. Phương pháp này có thể làm mất mỡ tại bất cứ khu vực nào trên cơ thể, mà không phải dùng thuốc, hay giải phẫu. Đào tạo học trò. Năm 1977, YTCS bắt đầu đào tạo học trò. Nhận thấy y học Tây-phương thường bó tay trước một số bệnh, mà y học Trung-quốc lại có thể điều trị dễ dàng. Trong khi đó tại Pháp cũng như châu Âu, lại ít người biết đến. Bấy giờ tại Pháp có trường vài trường, dạy cho những bác sĩ đã tốt nghiệp đại học y khoa, học thêm 3 năm về khoa Châm-cứu, chương trình rất giản lược. Ông âm thầm đào tạo 9 bác sĩ người Âu, và 5 bác sĩ người Việt, và một tu sĩ Phật-giáo về khoa Châm-cứu, Bốc-dược, Khí-công rất sâu, đúng như chương trình của đại học y khoa Thượng-hải. Chính đám đệ tử đầu tiên này, sau khi học xong, đều mở trường dạy học, gồm hai trường ở Pháp & một trường ở Tây-ban-nha. Chương trình dạy tổng hợp y học Âu-Á bắt đầu. YTCS vừa dạy tại các trường này, vừa làm cố vấn cho các giám đốc trường. Cho đến năm 2000 ông đã đào tạo được 1422 bác sĩ, đang hành nghề khắp châu Âu. Trong đó có 136 bác sĩ Việt-Nam. Kết luận.- Viện Pháp-Á mời giáo sư Trần Đại-Sỹ giữ chức Giám-đốc Trung-Quốc Sự Vụ vì các lý do sau : 1. Thứ nhất, ông rất giỏi về các khoa huyền bí Á-châu: Tử-vi, Nhâm-độn, Bói dịch, Phong-thủy, Phương-thuật. Ông dùng lý thuyết khoa học để chứng minh các khoa trên, không phải là những thứ bói toán dị đoan. Trong các khoa trên, ông nổi tiếng nhất về khoa Phong-thủy (Địa-lý). 2. Ông cùng CFMC dùng hệ thống ADN để chứng minh rằng lãnh thổ tộc Việt bao gồm từ sông Trường-giang xuống tới vịnh Thái-lan. Với công cuộc nghiên cứu này, ông làm đảo ngược tất cả những nghiên cứu cổ cho rằng: Người Việt gốc từ người Trung-hoa trốn lạnh hay trốn bạo tàn di cư xuống; mà người Trung-quốc do người từ Đông Nam Á đi lên hợp với giống người đi từ Bắc-Á đi xuống. 3. Ông đã can đảm dành cả cuộc đời, để viết những bộ lịch sử tiểu thuyết trường giang, ca tụng huân nghiệp giữ nước của tổ tiên ông; mà từ trước đến giờ chưa ai làm, chưa ai làm được, chưa ai có can đảm làm. Những bộ này ngoài yếu tố lịch sử, còn chứa đựng tất cả hệ thống văn hoa, tư tưởng của tộc Việt. Chúng tôi liệt tác phẩm của ông vào loại tư tưởng 4. Ông tìm lại được cây phản phì, phát minh ra phương pháp điện phân mỡ. Bác-sĩ Gynecology Trần-thị Phương-Châu (Giám-đốc Nam- Á Sự Vụ, viện Pháp-Á) Chú thích: (1) Cách nhau có một con sông Hồng, mà hồi thế kỷ 19 về trước bên Thái Bình khoa cử, quan trường thua Xuân Trường xa. Thi không đậu, các nhà nho bỏ thi cử, làm thầy lang. Bởi vậy các nhà nho Xuân Trường làm câu đối trêu các cụ Thái bình : Thái bình tam vạn lang, lang đen, lang trắng, lang vàng, lang lốm đốm. (Thái bình ba vạn lang, lang đen, lang trắng, lang vàng, lang lốm đốm, ví với chó). Các cụ Thái bình trêu lại các cụ Xuân Trường : Xuân Trường tam thiên cử, cử văn, cử võ, cử cò ke. (Xuân Trường có 3 nghìn cử nhân, cử văn, cử võ, cử gắp phân) (2) Dựng lại nhà Lê bị diệt, giúp nối dõi triều đại bị tuyệt diệt. (3) Tôi nhắc lại một biến cố báo chí trước 1975, để độc gỉả biết rõ tình hình tự do báo chí hồi đó: đánh phá 4 tỉnh trưởng, kiêm tiểu khu trưởng mà không bị bỏ tù, không bị du dãng vây đánh, vì lý do « lợi dụng tự do báo chí bôi nhọ cán bộ nhà nước ». Chứ không phải tôi bôi nhọ 4 đại tá. Nếu 4 đại tá Hoàng Đức Ninh, Lê Chí Cường, Chung Văn Bông, Trần Thanh Nhiên hoặc con cháu đang sống ở hải ngoại đọc những giòng này, xin xí xái cho. (4) Tư lệnh Biệt khu 44 bấy giờ là đại tá Võ Hữu Hạnh. Tỉnh trưởng Kiến Phong là đại tá Trần Thanh Nhiên. (5) Mối tình của TT Thiệu với cô nữ sinh HT 17 tuổi thực đẹp. Cô yêu ông thực sự, dâng hiến cho ông cả hồn lẫn xác. Nếu đúng như HT thuật thì ông cũng đối với HT bằng tất cả chân tình: Giúp đỡ chồng nàng, gia đình nhà chồng nàng. Mối tình của ông với HT giống như mối tình của TT Clinton với Lewinsky ; của Trương Ngọc Phương với Mao Trạch Đông. Không như Lénine, Kim Nhật Thành cướp vợ, giết chồng, sau cùng giết người dâng thân thể cho mình. Tôi thuật lại y án sexology này với tất cả dè dặt. (6) Ông kẹ này tuy là cán bộ Cộng Sản, nhưng cũng đa tình, tử tế, hết lòng với gia đình HT. Che chở cho các cơ sở thương mại cuả gia đình nàng. Điều này không dễ. Ông chết đã lâu, tôi không thể tiết lộ danh tính ông. (7) Ông kẹ trên chết rồi HT lại rơi vào tay ông kẹ khác. Ông này chỉ tử tế với HT, nhưng tàn nhẫn dàn kịch bản giết ông Thiên Lôi, chiếm vợ, chiếm tài sản. Tàn nhẫn nhất trong những người tàn nhẫn. |